Xử phạt người dùng smartphone không cài Bluezone: Không ổn!

Theo Quyết định 2666 ngày 29-5 của Bộ Y tế, trường hợp người dân có smartphone và đến nơi công cộng, nếu không cài đặt ứng dụng Bluezone và bật Bluetooth thì sẽ bị xử phạt.

Việc xử phạt nêu trên dựa trên cơ sở tình hình dịch COVID-19 và điều kiện thực tế tại địa phương.

Không có quy định nào cho phép xử phạt

Đứng trước quy định mới của Bộ Y tế, chuyên gia cho rằng việc áp dụng mọi biện pháp cần thiết để chống dịch COVID-19 đang diễn ra vô cùng phức tạp là cần thiết.

Tuy nhiên, việc đề nghị xử phạt người dùng smartphone không cài Bluezone vẫn còn nhiều điều để băn khoăn, nhất là khi việc này “chưa hoàn toàn phù hợp” với các quy định của pháp luật hành chính. Nếu xử phạt nhanh, vội thì dễ dẫn đến việc người dân không tâm phục khẩu phục.

Bộ Y tế ngay sau đó cũng đã có những “trần tình”. Theo Bộ Y tế, hiện nay có 3 ứng dụng dùng để khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần, gồm ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vnBluezone; NCOVI.

Chỉ người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế (VHD) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.

Người dùng cài đặt thành công ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trao đổi với PLO, TS Thái Thị Tuyết Dung (Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) nêu quan điểm: Quyết định 2666 của Bộ Y tế nhằm mục đích hỗ trợ phòng chống dịch chứ không phải các biện pháp bắt buộc thực hiện khi phòng chống dịch.

Đồng thời, các mệnh lệnh trong văn bản không rõ ràng, vừa mang tính khuyến nghị vừa mang tính bắt buộc, như: “Người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth”…

Theo TS Tuyết Dung, một hành vi chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) khi được quy định rõ trong văn bản từ nghị định trở lên và hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có quy định nào đề cập đến việc xử phạt như đã nêu.

“Có ý kiến cho rằng theo tính chất bắc cầu, áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020 (quy định về XPVPHC trong lĩnh vực y tế), xử phạt cá nhân từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” nếu không cài Bluezone trong smartphone.

Ý kiến này chưa thuyết phục, bởi “biện pháp bảo vệ cá nhân” là biện pháp bắt buộc và dễ dàng thực hiện như phải đeo khẩu trang nơi công cộng, tránh tiếp xúc gần khi biết rõ mình có nguy cơ mắc bệnh. Còn việc cài Bluezone trong smartphone là các biện pháp mới, chỉ khuyến khích thì không thể xử phạt được” - TS Tuyết Dung phân tích.

Bà Dung nói thêm: Nếu áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020 (quy định về XPVPHC trong lĩnh vực y tế), xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” thì “biện pháp bảo vệ cá nhân” là biện pháp bắt buộc phải thực hiện như đeo khẩu trang nơi công cộng, tránh tiếp xúc gần khi biết rõ nguy cơ mắc bệnh dịch”.

Tiến sĩ THÁI THỊ TUYẾT DUNG. Ảnh: MINH CHUNG

Xử phạt là bất bình đẳng và không khả thi

Cũng theo TS Thái Thị Tuyết Dung, khi ban hành một quy định bắt buộc, cơ quan soạn thảo cần rất thận trọng trong việc nghiên cứu các quy định liên quan, nhất là quyền con người được Hiến pháp ghi nhận (khoản 2 Điều 21 Hiến pháp 2013) và khả năng triển khai trong thực tế.

Phân tích thêm, TS Tuyết Dung nói: Với hành vi trên, nếu phạt thì thủ tục xử phạt sẽ vướng ngay đến quy định về quyền riêng tư, đó là thủ tục mở điện thoại của người khác để kiểm tra. Rồi làm sao biết được một người có mang điện thoại thông minh nơi công cộng hay không. Lúc đó lại phải thêm một thủ tục là ban hành quyết định về việc khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính (Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính), rất phức tạp.

Bà Dung đề xuất: Các cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc về sự khác nhau giữa quy phạm khuyến khích (khuyến nghị) với quy phạm bắt buộc. Trường hợp này, chỉ nên khuyến nghị, không nên bắt buộc, vì rõ ràng ai cũng biết việc sở hữu smartphone hay không, không phải là yếu tố bắt buộc trong mọi quốc gia.

“Nếu quy định này áp dụng thì thấy ngay sự bất bình đẳng trong xử phạt, tức chỉ xử phạt khi biết rõ người đó sở hữu smartphone, còn người không có smartphone, hoặc không biết biết họ đang sở hữu thì không bị xử phạt” - TS Tuyết Dung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm