Pháp lý vụ CSGT Cà Mau truy đuổi gây chết người

(PLO)- Theo luật sư, CSGT được quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm (như truy đuổi ) nhưng phải đảm bảo an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sự việc liên quan đến clip một vụ tai nạn giao thông được cho là do CSGT Cà Mau truy đuổi gây tai nạn chết người ở Bạc Liêu đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Theo báo cáo của công an tỉnh này, tối 13-12, một tổ tuần tra kiểm soát thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Cà Mau (đang làm nhiệm vụ tại tuyến đường thuộc TP Cà Mau) thì phát hiện một xe máy có dấu hiệu khả nghi nên ra hiệu dừng xe để kiểm tra nhưng người điều khiển không dừng xe. Tổ công tác đã bám theo.

Chỉ trong vài giờ đăng tải, một clip vụ tai nạn có 21 ngàn người xem. Ảnh: CTV.

Chỉ trong vài giờ đăng tải, một clip vụ tai nạn có 21 ngàn người xem. Ảnh: CTV.

Khi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu thì xe máy bị nghi vấn lấn sang phần đường bên trái, va chạm với một xe tải. Vụ va chạm khiến một trong hai người trên xe máy nghi vấn chết tại chỗ, người còn lại bị thương được đưa đi cấp cứu.

Vậy việc CSGT Cà Mau truy đuổi và vượt khỏi địa bàn tỉnh Cà Mau có đúng luật hay không, trách nhiệm ra sao?

Theo LS Nguyễn Minh Cảnh (Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên thẩm phán TAND TP.HCM) Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA (quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT) thì CSGT được quyền dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Đồng thời, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông...

Cạnh đó, CSGT được quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, theo LS Cảnh, khi người tham gia giao thông có dấu hiệu vi phạm, đặc biệt là vi phạm hình sự thì CSGT hoàn toàn được quyền truy đuổi. Thậm chí, nếu phát hiện là có hành vi cướp giật, lạng lách, đánh võng... thì việc truy đuổi còn có thể được sự giúp đỡ của người dân.

Theo LS Cảnh, trong vụ việc nêu trên, CSGT phát hiện xe máy có dấu hiệu khả nghi liền ra hiệu dừng xe nhưng người điều khiển không dừng xe. Chưa rõ vi phạm là gì nhưng người điều khiển xe máy đã bỏ chạy là đã có hành vi không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

Khi đó, người thi hành công vụ (trong trường hợp này là CSGT) có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, trong đó truy đuổi cũng là một trong các biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, trong quá trình truy đuổi, CSGT phải thận trọng và phải bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản.

Cũng theo LS Cảnh, Điều 11 Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ thì trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, đơn vị công an, quân đội, kiểm lâm, hải quan và các cơ quan, tổ chức, lực lượng thực thi công vụ khác có trách nhiệm tổ chức tuần tra, kiểm soát trên phạm vi lĩnh vực, tuyến, địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

Vì vậy, theo LS Cảnh, CSGT được quyền tuần tra, kiểm soát trên phạm vi lĩnh vực, tuyến, địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Tuy nhiên, nếu đối tượng vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì việc truy đuổi vượt quá giới hạn địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý là không sai.

Đồng tình, LS Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cũng cho rằng căn cứ Nghị định 208/2013/NĐ-CP nêu trên, việc CSGT tỉnh Cà Mau truy đuổi để xử lý hành vi vi phạm qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu là đã vượt quá phạm vi địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Tuy nhiên, nếu hành vi của hai thanh niên này có dấu hiệu tội phạm (như trộm cắp, cướp giật, chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội…) thì việc truy đuổi có thể vượt quá giới hạn địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.

Phân tích thêm về vụ việc, LS Tuấn cho rằng việc CSGT ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra là phù hợp với khoản 1, điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”.

Theo LS Tuấn, trong trường hợp người có dấu hiệu vi phạm pháp luật không chấp hành hiệu lệnh hoặc yêu cầu của người thi hành công vụ (CSGT) thì bị coi là hành vi “chống người thi hành công vụ”. Lúc này, CSGT có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn là truy đuổi. Tuy nhiên, CSGT phải thận trọng, linh hoạt trong việc ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm; hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại.

Cạnh đó, theo LS Tuấn, CSGT cũng cần căn cứ tính chất, mức độ vi phạm của hành vi, mức độ nguy hiểm đối với những người tham gia giao thông khác để có thể áp dụng biện pháp truy đuổi hay không?

Trong sự việc nêu trên, nếu hành vi vi phạm giao thông của hai thanh niên chỉ ở mức độ chạy trốn khỏi việc kiểm tra hành chính của tổ tuần tra kiểm soát thì CSGT vẫn có thể truy đuổi, tuy nhiên nếu truy đuổi ráo riết và vượt ra khỏi đại bàn quản lý thì có thể đã vượt quá mức độ cần thiết của sự việc. Nhưng nếu hai thanh niên này có hành vi đánh võng, lạng lách, có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của những người tham gia giao thông khác đang lưu thông trên đường thì việc truy đuổi để ngăn chặn trong trường hợp này được xem là một biện pháp cần thiết.

Cũng theo LS Tuấn, vụ việc đang được điều tra nên về vấn đề đúng sai cũng như trách nhiệm của các bên cần phải đợi đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm