“Các bộ, ngành hãy lo xử phạt ngay trong ngành mình trước đi. Xử phạt đối với những cán bộ có thẩm quyền cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí hoặc cung cấp thông tin chậm, không kịp thời, không đầy đủ”. Đó là một trong những ý kiến được đưa ra tại hội thảo “Chế tài hành chính về xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Ai cũng được phạt báo chí?”, do Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) - Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức sáng 5- 2.
Ai có quyền xác định tính đúng, sai?
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đại diện MEC cho hay: Pháp luật về báo chí hiện hành (Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung 1999 và Quy chế 03/2007 về cải chính trên báo chí do Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành) đang trao cho các bộ, ngành quyền kết luận về các nội dung báo chí nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình; từ đó có quyền yêu cầu báo chí cải chính, xin lỗi.
“Từ bất cập này, nhiều bộ, ngành đã soạn thảo các nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý của mình bao gồm xử lý cả thông tin báo chí nêu về ngành với nhiều mức phạt khác nhau, do nhiều chủ thể khác nhau thực thi. Từ đây gây ra sự chồng chéo về quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, tạo ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” có thể hạn chế tính phản biện, phê bình của báo chí đã được quy định tại Luật Báo chí” - đại diện MEC phát biểu.
Nhà báo Đào Ngọc Tước (Phó Tổng Biên tập báo Giáo dục Việt Nam) bày tỏ quan điểm các cơ quan báo chí sẵn sàng bồi thường thiệt hại cho đơn vị liên quan khi thông tin sai sự thật. Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại này cần phải được dựa trên phán quyết của tòa án chứ không thể để xảy ra chuyện ngành nào cũng có thẩm quyền tự quyết việc xử phạt như nhiều bộ, ngành đang mong muốn được.
Bà Ngô Thu Hà, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW), cho rằng việc xác định đúng hay sai thì phải có một cơ quan trọng tài phân xử. Đó có thể là một hội đồng độc lập hay tòa án thay vì bộ, ban ngành lại tự đưa ra phán quyết rồi đưa ra mức xử phạt.
Ông Nguyễn Văn Hùng, hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí-xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), cho rằng báo chí gặp không ít khó khăn khi cơ quan nhà nước không cung cấp thông tin. Ảnh: VT
Cung cấp thông tin kém cũng phải bị xử lý
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng để đảm bảo tính công bằng, những cơ quan, bộ ngành có phát ngôn sai, chậm hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ cho báo chí cũng phải bị xử lý nghiêm khắc.
Ông Nguyễn Văn Hùng, hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí-xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu ý kiến: “Báo chí muốn thông tin đúng sự thật thì phải là người chiếm lĩnh trận địa thông tin. Tuy nhiên, hiện nay báo chí lại gặp không ít khó khăn khi cơ quan nhà nước vừa không cung cấp thông tin, rồi lại có quá nhiều cơ quan có thể xử phạt báo chí… Như vậy sẽ tạo ra sự nhiễu loạn”.
Đề cập đến vấn đề này, ông Mai Phan Lợi - Trưởng Văn phòng đại diện báo Pháp Luật TP.HCM tại Hà Nội phát biểu: “Tôi không hiểu họ lấy căn cứ ở đâu để đưa ra đề xuất xử phạt số tiền lên tới 100 triệu đồng, trong khi quy chế về phát ngôn với báo chí không được các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, đầy đủ”.
luật sư Trần Vũ Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nêu vấn đề hiện nay có những phát ngôn không đúng, phát ngôn sai chỉ phạt tối đa 500.000 đồng mà đòi phạt báo chí 100 triệu đồng, như vậy là không có sự công bằng. Chung ý kiến này, nhiều đại biểu đề nghị cần có chế tài đối với các cơ quan hành chính nhà nước về việc chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc cung cấp sai.
Tiếp thu ý kiến tại hội thảo, đại diện MEC cho biết sẽ chính thức có văn bản kiến nghị gửi tới Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan đề nghị hủy bỏ đề xuất bổ sung Điều 8a (trong đó có quy định xử phạt báo chí thông tin sai 100 triệu đồng - PV) vào Nghị định 159/2013. Đồng thời kiến nghị Chính phủ thống nhất giao một đầu mối là Bộ TT&TT xác định, xử phạt thông tin sai sự thật theo Nghị định 159/2013. Cùng đó, bổ sung chế tài đối với cơ quan quản lý nhà nước vào Điều 9 Nghị định 159/2013 về việc chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai và cung cấp thông tin không đầy đủ. |