Bởi vì lẽ ra sau khi báo chí, các tổ chức nghiên cứu truyền thông, Hội Nhà báo lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng “ai cũng có thể phạt báo chí” được “cài” trong các nghị định xử lý vi phạm hành chính do gần 10 bộ, ngành soạn thảo, Thủ tướng hai lần có văn bản chỉ đạo giao Bộ Tư pháp chủ trì xử lý thì việc rắc rối này tưởng sẽ được kết thúc sớm. Thế nhưng một năm sau bằng việc đưa ra một dự thảo nghị định “sửa” nhiều nghị định (riêng về hành vi đưa tin sai sự thật trên báo chí đang nằm rải rác khoảng 10 văn bản đã ban hành), cơ quan soạn thảo lại dường như mắc sai lầm cũ khi đòi sửa cả Nghị định 159/2013 - văn bản do Bộ TT&TT soạn vốn chỉ dùng để xử lý các sai phạm của báo chí - đúng chức năng quản lý nhà nước của bộ này.
Cụ thể, ban soạn thảo thiết kế thêm hành vi vào Điều 8 (a) với mức phạt rất cao (đến 100 triệu đồng cho các tin sai trong lĩnh vực thống kê, giá cả hàng hóa mà “gây tâm lý hoang mang”) cho Nghị định 159/2013. Lý do được nói đấy là “lĩnh vực đặc thù, tin sai có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng” (?).
Một cán bộ Bộ TT&TT, người đã trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị định 159/2013, cho biết với một “lĩnh vực đặc thù” như tin thống kê, giá cả hàng hóa mà đánh giá tính chất sai phạm ngang với hành vi báo chí đưa tin cấm (như hành vi tuyên truyền chống Nhà nước, tin gây mất đoàn kết dân tộc) thì vừa không hợp lý, vừa tạo cơ hội cho các rắc rối cũ quay lại. Bởi vì bất cứ ngành nào cũng có thể biện luận rằng lĩnh vực quản lý nhà nước của mình là “đặc thù, quan trọng” nên thông tin sai trong lĩnh vực này cũng cần phạt nặng rồi đòi bổ sung chế tài vào Nghị định 159/2013. Như thế sẽ không chỉ có Điều 8 (a) mà có thể còn 8 (b), 8 (c)… nữa, vì tin sai y tế cũng nghiêm trọng do liên quan đến sức khỏe con người; tin sai trong lĩnh vực thi cử cũng nghiêm trọng do các gia đình và xã hội đang chi những khoản tiền lớn nhất cho giáo dục v.v…
Cơ quan trực tiếp quản lý báo chí lo ngại một (về những rắc rối phát sinh) thì giới báo chí lo mười, bởi rõ ràng việc “cài” thêm chế tài cho một lĩnh vực đặc thù với mức phạt rất cao (không căn cứ vào thông lệ chế tài tin sai theo các mức nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) đã thể hiện tư duy muốn “ôm đồm” việc quản lý báo chí của các ngành.
Xem ra việc cầu thị mới chỉ là… một nửa.