Ngày 5-10 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã công bố cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ đã răn dạy: “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
“Tuy nhiên, chúng ta chưa phát động cuộc thi chính thức nào về sáng tác ca khúc về thầy cô, mái trường. Tất nhiên không bao giờ là muộn, bởi lẽ thầy cô và mái trường đã là những ca từ, là nguồn cảm hứng khơi dậy sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… mang lại cho chúng ta những tác phẩm để đời” – Thứ trưởng nói.
Đối tượng dự thi là công dân Việt Nam, bao gồm các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài, là tác giả của các tác phẩm âm nhạc phù hợp với thể lệ của Cuộc thi đều có quyền gửi tác phẩm tham dự. Thành viên Ban Tổ chức và Ban Giám khảo không được tham gia Cuộc thi.
Các đại biểu tại lễ công bố cuộc thi. Ảnh VT
Với thể loại sáng tác là ca khúc (được tùy chọn các phong cách, thể loại khác nhau), Cuộc thi nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động (5-10-2020) đến hết ngày 15-12-2020 (theo dấu bưu điện), dự kiến trao giải vào cuối tháng 12-2020.
Tác phẩm dự thi được trình bày dưới các hình thức: đơn ca, tốp ca, hợp xướng có hoặc không có nhạc đệm. Tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm dự thi là bản ký âm nhạc và lời bằng tiếng Việt, được trình bày trên khổ giấy A4; ghi rõ tác giả phần lời và phần nhạc (kèm theo đĩa CD hoặc USB phần demo audio của tác phẩm). Mỗi tác giả, nhóm tác giả được đăng ký dự thi tối đa 3 tác phẩm.
Chủ đề của tác phẩm tập trung phản ánh truyền thống và những nét đẹp của nghề nhà giáo, những cống hiến thầm lặng của người làm công tác giáo dục trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Tác phẩm dự thi là sáng tác mới hoặc các tác phẩm đã từng công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng từ năm 2018 trở lại đây có nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật tốt, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam; về âm nhạc có giai điệu đẹp, phong cách âm nhạc có tính sáng tạo, lời ca trong sáng, dễ hiểu; chưa từng tham gia các cuộc thi khác do trong và ngoài ngành Giáo dục tổ chức.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái – Tổng biên tập Tạp chí Công an Nhân dân cũng bày tỏ, chỉ có âm nhạc, văn học mới đi vào tâm hồn con người sâu sắc nhất và ấm áp nhất, đồng thời ông đề xuất: Nên chăng, Ban tổ chức có thể kéo dài thời gian cuộc thi đến khi kết thúc năm học bởi mùa Hè thường mang lại nhiều cảm xúc cho nhạc sĩ.
Để góp phần vào thành công của cuộc thi, Bộ GD&ĐT có thể tổ chức cho một số nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ tiêu biểu đi thực tế, để họ có cảm hứng sáng tác từ thực tiễn.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi bao gồm:1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Mỗi tác giả có tác phẩm đoạt giải sẽ được nhận Giấy Chứng nhận giải thưởng của Bộ GD&ĐT.
Giải nhất được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tiền thưởng bằng tiền mặt là 30 triệu đồng cho giải Nhất, 15 triệu đồng cho mỗi giải Nhì, 10 triệu đồng cho mỗi giải Ba và 5 triệu đồng cho mỗi giải Khuyến khích.