Chính phủ vừa ban hành Nghị định 16 quy định xử phạt hành chính về xây dựng. Theo đó, quy định từ ngày 28-1-2022, hàng loạt hành vi vi phạm trong hoạt động môi giới bất động sản (BĐS) sẽ bị xử phạt hành chính từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, phạt 40-60 triệu đồng đối với một trong các hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS làm sai lệch nội dung chứng chỉ; cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới BĐS; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS.
Phạt 120-160 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ BĐS mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng. Mức phạt này cũng áp dụng với vi phạm hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS không được lập thành văn bản hoặc không đầy đủ các nội dung chính theo quy định.
Trường hợp vi phạm quản lý, ứng dụng, công khai thông tin nhà và thị trường BĐS quy định phạt 60-80 triệu đồng đối với những hành vi như không cung cấp, cung cấp không chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn kê khai BĐS cho cơ quan quản lý thông tin về nhà ở và thị trường BĐS; cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS của cơ quan nhà nước mà không được sự cho phép của cơ quan quản lý hệ thống thông tin BĐS…
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc tăng mức xử phạt môi giới vi phạm là cần thiết nhưng cần phải sửa luật để thống nhất quy định pháp luật. Đơn cử như việc cá nhân môi giới độc lập đã được quy định cho phép trong Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở. Các cá nhân môi giới BĐS hoạt động nhỏ lẻ, không thường xuyên, làm đúng những gì pháp luật không cấm và có đóng thuế đầy đủ thì không thể cấm họ làm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết đến nay mới cấp chứng chỉ hành nghề cho khoảng 10% người làm môi giới, còn lại 90% chưa được cấp chứng chỉ. Việc tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ cũng rất yếu và thiếu. Một số nơi không quan tâm thực hiện chức năng này.
Bên cạnh đó, theo ông Đính, việc kiểm tra, xử phạt rất khó vì cơ quan chức năng cũng không đủ lực lượng, kiểm tra không thường xuyên sẽ không đủ sức kiểm soát. Về lâu dài cần phải quản lý bằng mã số định danh, chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.