Dầu gội, sữa tắm nghi giả nhãn hiệu X-men, Romano, Enchanteur
Ngày 30-11, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 (thuộc Cục QLTT TP.HCM) đột xuất kiểm tra và phát hiện một xưởng sản xuất dầu gội, sữa tắm có dấu hiệu giả các thương hiệu nổi tiếng tại xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh.
Bên trong xưởng sản xuất sữa tắm, dầu gội. Ảnh: DMS |
Kiểm tra tại xưởng, Đội QLTT số 2 ghi nhận hàng chục tấn các loại hóa chất đựng trong các thùng nhựa màu xanh, có chất lỏng màu trắng, dạng sệt. Cùng đó là một lượng lớn tem, nhãn mác, vỏ chai nhựa các loại và các chồng thùng carton vẫn nguyên đai, nguyên kiện.
Ngoài xưởng sản xuất, pha chế, Đội QLTT số 2 còn phát hiện bốn kho chứa nằm rải rác xung quanh. Bên trong kho chứa lượng lớn các sản phẩm dầu gội, sữa tắm đã đóng gói bao bì, mang các nhãn hiệu như: X-men, Romano, Enchanteur, Clear, Pantene, Head & Shoulder… Đây đều là những nhãn hiệu quen thuộc, có giá cả phải chăng và được ưa chuộng trên thị trường. Tất cả mang bao bì nhãn mác do Thái Lan và một số nước khác sản xuất.
Cùng với dầu gội đầu và sữa tắm, tại các kho chứa, lực lượng chức năng còn phát hiện một lượng lớn các loại thuốc làm đẹp, giảm cân, kem dưỡng da các nhãn hiệu khác nhau.
Bỏ mối cho các chợ, bán trên mạng xã hội
Theo thông tin từ lực lượng QLTT, bước đầu xác định chủ sở hữu của các kho hàng và xưởng sản xuất trên là bà H.N.H, sinh năm 1982, tại Trà Vinh.
Thời điểm kiểm tra, bà H. cho biết cơ sở chủ yếu làm theo đơn đặt hàng tại TP.HCM và các tỉnh, bỏ mối tại các chợ, bán trên nền tảng thương mại điện tử facebook, zalo có tên “Phạm Huỳnh”. Bà H. chưa cung cấp thêm các thông tin về hàng hóa cũng như các giấy tờ hợp pháp khác.
Theo ước tính, số lượng hàng hóa trong 5 kho chứa và xưởng lên tới vài chục tấn. Lực lượng QLTT đánh giá đây là kho chứa và xưởng sản xuất mỹ phẩm vi phạm lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM mà lực lượng phát hiện, xử lý.
Hiện Tổng cục QLTT đã huy động phần lớn lực lượng QLTT TP.HCM để phục vụ quá trình kiểm đếm, xác minh, phân loại hàng hóa vi phạm. Dự kiến, quá trình kiểm đếm sẽ mất từ 3-5 ngày.
Trước đó, vào đầu tháng 11, Tổng cục QLTT cũng trực tiếp chỉ đạo lực lượng QLTT kiểm tra tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square và phát hiện rất nhiều hàng hoá, đặc biệt là những nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới bị giả mạo như: Louis Vuitton, Gucci, Dior, Chanel, Adidas, Nike, Hermes… với giá rất rẻ từ vài chục đến vài trăm nghìn một sản phẩm.
Qua hai ngày kiểm đếm phân loại, lực lượng QLTT thu giữ hàng nghìn sản phẩm và gần như 100% đều là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng hàng giả xuất hiện trên thị trường khá nhiều, đặc biệt ở các thành phố lớn. Hiện lực lượng đang triển khai kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của cả giai đoạn 2021- 2025. Để triệt phá hàng giả, lực lượng triển khai rất nhiều hoạt động, trong đó tập trung triển khai, kiểm soát các địa bàn trọng điểm ở các thành phố lớn, các làng nghề.
Đặc biệt hiện nay chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Dương lịch, sau đó là Tết Nguyên đán nên lực lượng QLTT cũng đã xây dựng kế hoạch cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường cuối năm 2022 và trước, trong, sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.