Những bức vẽ graffiti thời Thế chiến thứ 1 này gồm gần 2.000 tên gọi của các binh lính được vẽ bằng phấn và nằm sâu trong một mỏ đá xưa cũ ở Pháp.
Các nhà khảo cổ đã “ví von” những dòng chữ viết trên bức tường là bộ sưu tập graffiti lớn nhất trong tất cả các graffiti ở Tây Âu.
Mỏ đá này tọa lạc ở Naours, cách 156km về phía bắc của thủ đô Paris. Hàng triệu chiến sĩ đã thiệt mạng và bị thương tại chiến trường Somme gần nơi đây.
Các chuyên gia cho hay những bức vẽ Graffiti đã được lưu giữ rất tốt và cho thấy bác binh sĩ trong Thế Chiến thứ I đã thấy được tầm quan trọng của việc viết tên của mình dưới lòng đất khoảng 30m để nhắc nhớ cho thế hệ trẻ hôm nay.
“Những bức vẽ trên cho thấy các binh lính đã ý thức được vai trò của họ trong môi trường đầy khắc nghiệt và thù địch”, nhà sử học Ross Wilson thuộc trường Đại học Chichester của Anh cho biết.
Những bức graffiti được các binh sĩ trong chiến tranh thế giới thứ 1 viết lên để mong các thế hệ sau tưởng nhớ đến họ (Nguồn: Sputnik News)
Bức vẽ graffiti vừa phát hiện này cả thảy có 1.821 tên gọi của từng cá nhân, trong đó có 731 tên gọi người Australia, 339 của người Anh, 55 của người Mỹ, một dãy tên của người Canada và Pháp, cùng với 662 tên gọi khác chưa được xác nhận là của người nước nào.
Những tên gọi này được nhiếp ảnh gia Jeff Gusky liệt kê và theo ông, những chiến binh này đều mong được người đời nhớ tới.
Trong số những chữ viết “để đời” này, có một chữ viết của binh sĩ 25 tuổi có tên Herbert John Leach đến từ Adelaide. Anh đã hy sinh trong chiến đấu sau khi khắc tên mình trên tường chưa đầy một tháng. “HJ Leach. Một và chỉ một. 13/7/16. SA Australia”, HJ Leach đã khắc những dòng như vậy trên bức graffiti. Leach hy sinh trong trận chiến Pozieres vào 23-8-1916.
Ngoài ra, còn có một dòng chữ đơn giản chỉ viết: “James Cockburn 8th Durham L.I”. Những bức graffiti này được nhà khảo cổ Gilles Prilaux người Pháp phát hiện. Ông cũng là người cho hay ở cao nguyên phấn Picardy có mạng lưới đường hầm dài 3km và hàng trăm phòng được đào trong hàng mấy thế kỷ qua.
Lối vào mỏ đá này đã bị lấp và bị lãng quên từ thế kỷ 18, nhưng vào năm 1887 lại được một vị linh mục địa phương phát hiện.