Ngày 4-6, Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) công bố danh sách 70 loài mới được tìm thấy ở Việt Nam. Điều đáng vui mừng, số loài của Việt Nam được tìm thấy trong năm 2014 chiếm tới hơn một nửa số loài được tìm thấy tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Loài côn trùng lớn thứ hai thế giới là một loài bọ que dài 54cm, được tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam, cách nơi người dân sinh sống chưa đến một km. Ảnh: WWF
Trong số 70 loài động thực vật vừa được tìm thấy, có rất nhiều loài quý hiếm, đã có nguy cơ bị đe doạ. Trong đó, có những loài rất đặc biệt, như loài dơi (Hypsugo dolichodon) với cặp răng nanh mạnh khỏe, loài bọ que (Phryganistria heusii yentuensis) có chiều dài đứng thứ hai trong nhóm côn trùng, cùng với loài ếch gai đổi màu (Graciaxal lumarius)...
“Ngày hôm nay, WWF-Việt Nam kỉ niệm 20 năm hoạt động tại Việt Nam nên chúng tôi vô cùng phấn khích khi thấy nước ta sở hữu số lượng loài vô cùng đa dạng, trong đó có một số loài độc đáo nhất thế giới và giá trị đa dạng sinh học còn nhiều tiềm ẩn cần được khám phá”, TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam chia sẻ.
Tính trong Tiểu vùng Mekong mở rộng, có tổng cộng 139 loài động thực vật mới được phát hiện. Trong đó, có 90 loài thực vật, 23 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 9 loài cá, và một loài động vật có vú.
Loài ếch gai đổi màu được tìm thấy trong những cánh rừng của Việt Nam, với những chiếc “gai” trắng hình nón đặc trưng trên lưng con đực, có thể giúp chúng trong việc tìm bạn đời. Ảnh: WWF
Trong các loài trên, có loài cá sấu kỳ giông (Tylototriton shanorum) của Myanmar - một loài có môi trường sinh sản đang bị đe dọa. Ong cai ngục (Sirindhornia chaipattana) của Thái Lan, rắn ẩn mình (Lycodon zoosvictoriae) của Campuchia ... cũng là những loài rất đặc biệt.
Như vậy, số loài mới được tìm thấy ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) đã có hơn 2.216 loài được tìm thấy trong thời gian từ 1997 đến 2014. Cứ trung bình một tuần thì có ba loài mới được phát hiện.