Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí của Hiệp hội y khoa Mỹ số ra ngày 4/5, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích dữ liệu của hơn 2 triệu người Thụy Điển trong khoảng thời gian từ năm 1982-2006.
Đây là công trình nghiên cứu quy mô lớn nhất từ trước tới nay, do các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu bệnh tự kỷ có trụ sở ở thành phố New York phối hợp với viện Karolinska ở Thụy Điển thực hiện nhằm xác định nguyên nhân thực chất của bệnh tự kỷ.
Kết quả cho thấy yếu tố di truyền "đóng góp" khoảng 50%, thấp hơn nhiều so với mức 80-90% của các nghiên cứu công bố trước đây, và ngang bằng với yếu tố môi trường.
Trưởng nhóm nghiên cứu Avi Reichenberg cho biết những yếu tố môi trường có thể là nguyên nhân sâu xa của bệnh tự kỷ gồm có điều kiện kinh tế gia đình, các biến chứng sau sinh, các bệnh nhiễm trùng (nếu có) từ mẹ sang con, tác dụng phụ của các loại thuốc được bà mẹ uống trước và trong quá trình mang thai...
Tuy nhiên, theo ông Reichenberg, các nhà khoa học vẫn cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ vấn đề này.
Tự kỷ là bệnh rối loạn phát triển hệ thần kinh. Những trẻ em bị tự kỷ thường chậm phát triển khả năng giao tiếp, khó khăn trong sử dụng ngôn ngữ, không hiểu các ký hiệu và ít có khả năng tưởng tượng.
Bệnh thường biểu hiện trước 3 tuổi khi đứa trẻ tự tách rời với thực tế và môi trường chung quanh.
Trẻ mới sinh không thể hiện rõ bệnh nhưng từ tháng 18 trở đi, cha mẹ và những người xung quanh có thể nhận thấy rõ các triệu chứng bệnh ở trẻ như trẻ tỏ ra thờ ơ, không chú ý tới các hoạt động xung quanh, không đáp lại sự săn sóc của người lớn bằng nét mặt, ánh nhìn hay nụ cười.
Trẻ mắc bệnh tự kỷ vẫn phát triển thể chất bình thường nhưng trì trệ kém phát triển hơn so với các bạn cùng trang lứa, thể hiện ở việc trẻ không nói được, nói không thành câu và khó hòa nhập với xã hội.
Trên thế giới cứ 100 trẻ thì có một trẻ mắc bệnh tự kỷ. Mỹ là nước có tỷ lệ trẻ tự kỷ cao nhất với tỷ lệ thống kê 1/68./.
(Theo TTXVN/Vietnam+)