Luật sư Nguyễn Minh Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Trước hết, bạn cần phân biệt sự khác nhau giữa việc tố cáo và tố giác về tội phạm.
Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo quy định: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 144 của BLTTHS 2015 quy định: “Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”.
Vậy, bạn thực hiện việc tố giác tội phạm về hành vi sản xuất hàng giả theo quy định của BLHS 2015 thì sẽ phù hợp hơn.
Điều 484 BLTTHS 2015 quy định một số quyền và nghĩa vụ sau đây khi bạn thực hiện việc tố giác về tội phạm:
Bạn có các quyền sau đây: Đề nghị được bảo vệ; được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ; được biết về việc áp dụng biện pháp bảo vệ; đề nghị thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp bảo vệ; được bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp trong thời gian bảo vệ.
Bạn có nghĩa vụ sau đây: Chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu của cơ quan bảo vệ liên quan đến việc bảo vệ; giữ bí mật thông tin bảo vệ; thông báo kịp thời đến cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về những vấn đề nghi vấn trong thời gian được bảo vệ.
Ngoài ra, với tư cách người tố giác tội phạm, bạn cần có trách nhiệm trong việc khai báo và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho cơ quan điều tra một cách khách quan, trung thực, không suy đoán hoặc bóp méo sự thật. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.