Đó là các cháu Giàng A ĐD (bốn tuổi) và Giàng Thị KT (bảy tuổi), là con của vợ chồng anh Giàng A N. và chị Sùng Thị Ch. (dân tộc H’Mông, trú thôn Giang Đông, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk).
Qua khai thác tiền sử, gia đình cho biết trong thời kỳ mang thai, mẹ các bé bị sốt nhiều lần nhưng không đi khám. Sau sinh, các bác sĩ thấy vòng đầu của hai bé nhỏ hơn trung bình của những trẻ bình thường (lần lượt là 35 cm và 39 cm).
Theo lời chị Sùng Thị Ch., vợ chồng chị có bốn đứa con. Trong đó, cháu D. và cháu T. khi sinh ra có đầu nhỏ xíu.
Cha hai cháu bé kể hai con mình giống như những đứa trẻ thiểu năng, không đi đứng bình thường, nói năng không tròn câu và không tự làm vệ sinh cá nhân được.
Cháu D. khi được khoảng hai tuổi, biết đi nhưng cứ đâm lung tung, mắt như không nhìn thấy gì; còn cháu T. bảy tuổi nhưng khờ khạo, trí tuệ như đứa trẻ hai tuổi.
Anh N. cho biết đã đưa con đi khám tại một số bệnh viện nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân con anh bị bệnh gì.
Trường hợp bị đầu nhỏ mới phát hiện tại xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk.
Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện cháu HL (năm tháng tuổi), con gái chị HB (SN 1993, trú xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) bị chứng đầu nhỏ.
Chị HB cho biết quá trình mang thai, đến khoảng tháng thứ ba thì bị nổi phát ban khắp người. Chị không đi bệnh viện khám mà tự mua thuốc về uống và khỏi bệnh. Khi thai kỳ đến tháng thứ tám, chị HB bị sốt nhẹ và cũng tự khỏi bệnh. Giai đoạn chuẩn bị sinh, chị có đi khám siêu âm và bác sĩ cho biết thai nhi có hiện tượng đầu nhỏ.
BS Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, cho biết các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu các trường hợp nghi nhiễm virus Zika trên địa bàn và gửi đi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định nguyên nhân.
Về hai trường hợp bị đầu nhỏ ở xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, bác sĩ Phạm Văn Lào cho biết ngành y tế phát hiện từ khá lâu trước đó và cũng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, do thời kỳ đó chưa có máy móc hiện đại nên không tìm ra nguyên nhân.
“Trường hợp này, ngành y tế vẫn liên tục theo dõi nhưng không đưa vào diện bị bệnh Zika bởi virus Zika chỉ mới lưu hành ở Việt Nam từ cuối năm 2015” - BS Lào thông tin.
Theo BS Lào, một đứa trẻ bị bệnh đầu nhỏ nguyên nhân có thể do mắc một trong bảy loại bệnh: do biến đổi gen, bị bệnh rubella, bị nhiễm ký sinh trùng, bị nhiễm độc do ngộ độc mãn tính (như rượu), bị virus và cuối cùng là Zika.
“Muốn đánh giá đúng nguyên nhân gây bệnh, phải lấy mẫu bệnh càng sớm càng tốt. Lấy mẫu quá muộn, việc tìm kháng nguyên, kháng thể gần như rất khó khăn” - BS Lào phân tích.
Về những giải pháp để kiểm soát, đối phó với bệnh Zika, BS Phạm Văn Lào cho biết ngành y tế địa phương đã tổ chức nhiều chương trình, giải pháp, tuyên truyền diệt loăng quăng, bọ gậy, muỗi và không để muỗi đốt đến từng người dân từng khu vực. Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai chương trình tầm soát thai nghén nhiều năm nay.
“Những vùng nghi có virus Zika, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tư vấn cho các bà mẹ, khám thai định kỳ cho những người mang thai, tư vấn cho các bà mẹ chú trọng khám thai ba tháng đầu để nếu có phát hiện bất thường cần có những sự can thiệp, xử lý sớm” - BS Phạm Văn Lào chia sẻ.