Phát khùng vì.. quảng cáo

Bác sĩ Võ Xuân Sơn hiện đang công tác tại một phòng khám quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh vừa có một bài viết khá dài đăng trên trang Facebook cá nhân, thể hiện sự "bức xúc cao độ" với tình trạng bị làm phiền bởi quảng cáo mọi nơi, mọi lúc và thậm chí là "bằng mọi thủ đoạn".

Ngay sau khi đăng tải, bài viết nhanh chóng thu hút được đông đảo sự quan tâm và "đồng cảm" từ cộng đồng mạng với gần 350 lượt "Thích" và chia sẻ.

Phát khùng vì.. quảng cáo ảnh 1
Bác sĩ Võ Xuân Sơn (áo trắng, đứng giữa)

Được sự đồng ý của tác giả, Infonet xin giới thiệu tới bạn đọc đầy đủ bài viết này.

“Ngày ngày tôi nhận được nhiều những cú điện thoại, toàn từ những cấp lớn, những nơi có quyền sinh quyền sát với cái phòng khám bé tẹo của tôi. Yêu cầu hỗ trợ bằng cách đăng quảng cáo trên báo nào đó của họ. Có người còn dở giọng đe dọa, nếu không đăng quảng cáo sẽ lãnh hậu quả này, hậu quả khác.

Để tránh bị làm phiền tôi yêu cầu nhân viên không cung cấp số điện thoại di động của tôi khi người gọi hỏi không rõ ràng, không nắm chính xác mục đích gọi thì không chuyển cho tôi. Sau một thời gian tôi luôn có các cuộc gọi từ các “quan chức”, tất cả các cuộc gọi ấy đều nhằm một mục đích: xin số điện thoại di động.

Ban đầu tin là thật, nhất là khi ông A gọi cho tôi nhưng vì có chuyện đại sự đột xuất nên ông A không chờ được, chỉ xin lấy số điện thoại di động để có thể gọi ngay khi rảnh. Tôi bị sập bẫy, cứ tưởng rằng xắp được ông A mời đi uống cà phê. Y như rằng, sau đó lại có một tờ báo gọi đề nghị đăng quảng cáo hoặc hỗ trợ cho một chương trình gì đó.

Có lần tôi nhận được điện thoại báo là một quan chức muốn gặp tôi. Thật trùng hợp là quan chức đó lại là bạn tôi nên nhân viên chuyển điện thoại cho tôi. Lại một màn anh ấy bận đột xuất, chỉ xin số điện thoại di động.... Khi đó tôi mới sáng cái dạ. Thế là từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Tôi từ chối tất cả các cuộc gọi cho dù là từ Obama hay Putin đi chăng nữa.

Bạn có hay nhận được những cú điện thoại kiểu này không: “Anh ơi, em đây nàààààà…y. Em là Vâââââ…n đây. Bên em có cái này haaaaa… y lắm, phù hợp với anh lắm, bảo đảm là sẽ có nhiều cô mê………anh hơn cả em”? Chưa kể chuyện có khi bạn không thể chen vào một câu và đầu dây bên kia bắn liên thanh cỡ 5 – 7 phút về cái gì đó. Thế là bạn gài chuông để tránh phải nghe các cuộc gọi không phải của bạn bè.

Phát khùng vì.. quảng cáo ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhưng cũng không yên. Họ không gọi được thì nhắn tin. Ngày nào cũng hàng trăm nhắn tin, nào là nhà đất, sim số đẹp, ngân hàng cho vay... Thậm chí có tin: “Anh ơi mai chủ nhật, anh có đi Bình Dương với em không? Có villa view sông đẹp lắm anh ạ”. Đôi khi đó là cảm giác kinh khủng, nhất là khi tin nhắn vào lúc đang đêm, bạn không thể không xem, và khi bạn xem thì rất có thể cái điện thoại vô tội của bạn bị bầm dập một cách oan uổng.

Có người bạn mách báo lên tổng đài, họ sẽ chặn, họ gọi đó là tin rác. Tầm phào. Những tin nhắn đó mang lại tiền cho họ, dại gì mà chặn, dù cho là rác đi chăng nữa. Tôi đã nhận được quảng cáo của ngay chính tổng đài. Cuối tin luôn có câu: “từ chối tin này soạn TC, gửi 123456…”. Soạn tin gửi đi. Hết nhắn. Hôm sau nhắn tiếp, lại soạn TC gửi… Sau chừng 3, 4 lần thì tin được nhắn lại ngay trong ngày. Tổng đài vừa nhận được tiền từ rác, vừa từ chính khổ chủ do “soạn TC gửi…” mang lại.

Từ khi vào facebook, tôi mở rộng diện đọc các báo, do các bạn link trên facebook. Điều khó chịu nhất là quảng cáo. Có những tin không thể nào đọc được, vì quảng cáo cứ che hết màn hình. Có cái tắt đi là bật lại, thậm chí có lúc bấm vào chỗ tắt thì nó lại phóng to ra. Ban đầu tôi còn nghĩ cách để đọc, sau này tôi nghiệm ra rằng đó là những tờ báo không đáng để mất thời gian đọc, nên bất cứ khi nào gặp những tờ báo như vậy, dù tin có hot đến đâu tôi cũng không đọc.

Tôi không biết các nhà marketing làm việc kiểu gì, không biết các bậc thầy quảng cáo dạy dỗ làm sao, nhưng thực tình tôi nghĩ rằng đó là sự vô liêm sỉ trong kinh doanh. Từ những người chuyên đi bắt ép người khác đăng quảng cáo trên báo mình, bắt ép ủng hộ chương trình này chương trình khác, đến những người bầy ra trò nhắn tin, điện thoại, cả những người thực hiện, người soạn ra những mẫu quảng cáo che lấp hết nội dung chính, và cả những tổng đài dung túng cho những thứ đó, tất cả đều vô liêm sỉ. Họ bất chấp đạo lí, bất chấp sự yên ổn của người khác để đạt được mục đích kiếm tiền của mình.

Mỗi khi đi nước ngoài, tôi lại sung sướng vì không phải chịu cảnh bị tra tấn bởi những dạng quảng cáo nói trên. Không biết có nên bổ sung thêm một lí do để nhắn nhủ những người ở nước ngoài “đi đi, đừng về” nữa không?”

Theo Lại Hà/Infonet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm