Phát ngôn về áo dài của Trấn Thành gây tranh cãi, vì sao?

(PLO)- Trấn Thành gây tranh cãi vì nhầm lẫn áo dài là quốc phục của Việt Nam khi phát biểu tại lễ trao giải WeChoice 2024.

Tối 12-1, Lễ trao giải WeChoice 2024 diễn ra tại TP.HCM khép lại với nhiều giải thưởng được trao. Bên cạnh những lời chúc mừng dành cho những nghệ sĩ thắng giải, việc Trấn Thành gây tranh cãi khi phát biểu đã thu hút sự chú ý của khán giả.

Phát ngôn về áo dài gây tranh cãi

Cụ thể, tại lễ trao giải, Trấn Thành cùng Hoa hậu Kỳ Duyên trao giải hạng mục Ca sĩ/Rapper có hoạt động đột phá. Trong lúc phát biểu, nam MC cảm thán vì các khách mời, khán giả đến sự kiện đều mặc áo dài. Tuy nhiên, Trấn Thành nhầm lẫn khi gọi đây là Quốc phục.

Trấn Thành gây tranh cãi khi phát ngôn tại Wechoice 2024

"Lần đầu ở lễ trao giải chúng ta hãnh diện khi mặc quốc phục dự sự kiện. Nhìn kỹ quốc phục chúng ta rất fashion (thời trang - PV), mọi người nhìn nhau mặc gì, có đẹp không, đó là điều tôi hãnh diện vô cùng" – Trấn Thành chia sẻ trên sóng trực tiếp.

Phát biểu này của Trấn Thành gây tranh cãi trên mạng xã hội hội vì thông tin chưa chính xác.

"Mình nghe mà sốc luôn. Trấn Thành là MC, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên hài nổi tiếng, năng lực trình độ không bàn, buổi livestream trên Thông tin Chính Phủ mà chơi ngay quả Quốc phục thì chịu" – một diễn đàn chia sẻ.

Tài khoản khác cũng viết: “Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc anh em, dân tộc Kinh chiếm 85% dân số, các dân tộc còn lại chiếm 15% dân số ~15 triệu người. Chúng ta có 3 miền Bắc - Trung - Nam, có núi, hải đảo, đồng bằng. Áo dài chỉ là một trong số các trang phục truyền thống, là Việt phục mà thôi.

Quốc phục, Quốc hoa Việt Nam vẫn chưa được công nhận

Hồi tháng 6-2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, trong phiên chất vấn, đại biểu, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cũng từng nêu chưa có bộ nhận diện bản sắc Việt Nam.

"Khách quốc tế ít quay lại với du lịch Việt Nam là vì chưa làm rõ bản sắc Việt Nam để đọng lại. Nhật Bản dễ nhớ vì họ có sushi, núi Phú Sĩ, hoa đào, kimono, trà đạo… Bản sắc quốc gia thể hiện qua trang phục, ẩm thực, thắng cảnh, âm nhạc, nghệ thuật" – đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói.

Áo dài vẫn chưa được công nhận là Quốc phục của Việt Nam.

Theo vị đại biểu này, du lịch Việt Nam có thể để lại dấu ấn về áo dài, hang Sơn Đoòng, phở, vịnh Hạ Long, đàn bầu, múa rối nước…

"Theo thư viện Quốc hội, hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào được duyệt quốc hoa, quốc phục, quốc tửu, quốc cầm. Vì vậy, điều này hạn chế việc quảng bá Việt Nam ra thế giới" - ông Cảnh nói.

Nói về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết việc xây dựng thương hiệu của Việt Nam trong một số lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp rất cần thiết.

"Nhưng khi chúng tôi cho rà soát lại về cơ sở pháp lý thì thấy chưa có. Đây là khoảng trống về mặt pháp lý" - ông Hùng nói và cho biết từ năm 2011, Chính phủ đã giao cho Bộ VH-TT&DL xây dựng bộ nhận diện về quốc hoa.

Thời điểm đó, Bộ VH-TT&DL đề xuất hoa sen là bộ nhận diện về quốc hoa. Tuy nhiên, khi trình thì vướng mắc ở chỗ "ai là người có thẩm quyền công nhận, ai là người ký". Cuối cùng, câu trả lời là không ai có thẩm quyền cả vì không có quy định.

Bên cạnh đó, Bộ VH-TT&DL cũng đã cho nhận diện lễ phục, quốc phục là bộ áo quần có tính chất đặc trưng. Việc này đã nghiên cứu nhưng sau đó phải dừng lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới