Theo đó, PA83 xác định Tr. có hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (quy định tại Điều 17 Nghị định 131/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng).
Mức phạt hành chính là phạt tiền 15-30 triệu đồng và buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm.
Tuy nhiên, do xét hoàn cảnh của Tr. là sinh viên, gia đình khó khăn, nhận thức được hành vi sai phạm, khắc phục, tháo gỡ đoạn phim đã sao chép nên PA83 xử phạt Tr. mức thấp nhất là 15 triệu đồng.
Ngay trong chiều 27-12, Tr. đã lên PA83 nhận quyết định.
Sinh viên NVTr tại buổi làm việc với Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, khoảng trưa 13-11, Tr. đi cùng một người bạn mua vé xem phim Cô Ba Sài Gòn ở rạp Lottle Cinema Vũng Tàu (phường 8, TP Vũng Tàu). Tr. và người bạn vào trễ so với giờ chiếu 20 phút. Lúc này rạp rất ít khách.
Sau khi ngồi được năm phút, Tr. dùng điện thoại iPhone 7 của người bạn quay livestream (phát trực tiếp) nội dung phim đang chiếu lên Facebook có tên Phim+ (trang mà Tr. và một người bạn là quản trị, chuyên chia sẻ các bộ phim cho nhiều bạn bè trên Facebook khác).
Sau đó bị phát hiện, Tr. đã gỡ nội dung trên Facebook. Tuy nhiên, đến 15-11 nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đại diện đơn vị phát hành bộ phim Cô Ba Sài Gòn đã gửi đơn đề nghị Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử lý hành vi của Tr. đã livestream lén bộ phim này. Ngay trong chiều cùng ngày, Tr. cũng đã chủ động tới PA83 để làm việc.