Quay lén phim rạp: Mức xử phải thích đáng

Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiếp nhận hồ sơ vụ livestream trái phép bộ phim Cô Ba Sài Gòn xảy ra vào chiều 13-11. NVTr (19 tuổi), người phát tán bộ phim trên qua Facebook, hiện là sinh viên một trường cao đẳng. Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) cho biết hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ của Tr. đã rõ và Tr. sẽ bị xử lý nghiêm. Nhiều bạn đọc ủng hộ thái độ kiên quyết này của các cơ quan chức năng.

Xử để làm gương

Đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn livestream quay lén phim Việt xảy ra tại các rạp. Trước đó, phim Lô tôEm chưa 18 cũng từng bị như vậy. Người bình thường chắc không quá bức xúc nhưng hãy đặt mình vào vị trí những người làm phim sẽ thấy hành động này không thể chấp nhận được. Họ đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng, bao nhiêu tâm sức sản xuất ra một bộ phim, nếu cứ bị quay lén và phát tán trên mạng thì không chỉ tổn thất tiền bạc mà còn tình cảm, tinh thần nữa. Tôi cho là kẻ đánh cắp sức lực, tài sản cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của người khác phải bị xử lý đến nơi đến chốn để làm gương cho những người thiếu văn minh đến mức sẵn sàng dễ dãi, coi thường công sức của người khác.

THU HƯƠNG, biên tập viên công ty sản xuất phim truyền hình

Phải có lòng tự trọng

Theo tôi, không chỉ là vụ việc này, chuyện livestream phim, kịch… từng diễn ra do ý thức quá kém và khâu quản lý cũng không ổn. Do đó phải xử thật nghiêm theo quy định của pháp luật để mọi người nhận ra rằng việc làm này không phải chuyện đùa vui, không thể thích thì làm mà phải hiểu như vậy là vi phạm pháp luật.

Nhà sản xuất đã thất vọng đến mức bày tỏ ý định sẽ không làm phim nữa, điều này có thể hiểu được vì đây là tâm huyết của người làm nghệ thuật. Các tác phẩm này cần được bảo vệ như bảo vệ quyền lợi của một công dân đang bị xâm phạm tài sản. Còn khán giả hãy là những người thưởng thức nghệ thuật có văn hóa, có trình độ và đủ tấm lòng để trân quý công sức lao động của người khác.

THANH HÀ, biên tập viên một đài phát thanh và truyền hình tỉnh

Cố tình vi phạm phải xử nghiêm

Quay lén phim chiếu rạp là hành vi không thể chấp nhận, không thể bao biện. Họ đã cố tình vi phạm vì rạp phim luôn có quy định rất rõ. Người phát tán dù để câu like hay câu tiền thông qua quảng bá cho trang mạng mà họ là thành viên đều xuất phát từ thái độ coi thường pháp luật.

Hiện nay nhiều trang web, trên các diễn đàn phim… tung phim ra cùng ngày hoặc chỉ trễ 1-2 ngày sau công chiếu. Tìm phim mới rất dễ dàng, tất nhiên chất lượng hình ảnh kém thôi vì thường được quay lén bằng điện thoại hoặc các thiết bị khác. Tuy nhiên, nhiều người tò mò vẫn chấp nhận xem, các trang này vẫn kiếm được tiền quảng cáo. Cần có chế tài đủ mạnh để răn đe và cảnh tỉnh việc thả nổi các hoạt động như vậy.

NGUYỄN THÀNH TOÀN, chuyên viên truyền thông

Phải có biện pháp tự bảo vệ mình

Ý thức về bản quyền ở nước ta rất kém, không chỉ phim mà sách, ảnh, nhạc... Ngang nhiên xâm phạm bản quyền là hành vi không ai thông cảm được, chắc chắn phải xử phạt. Tuy nhiên, bất cập là khó chứng minh mục đích trục lợi về kinh tế nên không thể làm gì hơn là xử phạt hành chính. Như vậy tính răn đe không cao, không có tác dụng cảnh tỉnh những người ưa sống trên luật lệ.

Qua vụ này, một vấn đề cần lưu ý là các chủ thể sản xuất, phát hành phim, nhạc, kịch… phải tự có biện pháp bảo vệ mình. Tại sao những bộ phim nước ngoài dù đình đám đến mấy cũng ít khi xảy ra sự cố? Họ có biện pháp kỹ thuật, công nghệ và cả quản lý mềm ngay từ đầu. Ở Việt Nam, một số hãng lớn đã làm được việc này, không dễ để phát tán bừa bãi sản phẩm của họ nhờ có bộ lọc tốt trên môi trường Internet. Cá nhân, tổ chức không có biện pháp phòng vệ là đã mở một cửa cho người khác có cơ hội xâm phạm tài sản, công sức của mình.

LƯU LIÊN ANH, phóng viên

Vi phạm ở nước ngoài bị phạt rất nhiều tiền

Vấn nạn quay lén phim rạp, sao chép trái phép băng đĩa gốc diễn ra ở nhiều nước, gây tổn hại lớn đến các đơn vị sản xuất, phát hành. Năm 2012, Anton Vickerman, trưởng điều hành trang web Surfthechannel.com ở Anh, đã bị phạt hơn 93.000 USD và chịu án bốn năm tù giam vì phân phối bất hợp pháp phim ảnh và chương trình truyền hình. Năm 2014, Philip Danks (Mỹ) bị kết án 33 tháng phạt tù khi quay lén bộ phim Fast & Furious 6 tại rạp rồi phát tán. Trước đó ở Mỹ, cô gái Jhannet Sejas khi đi xem phim Transformers nhân sinh nhật của mình đã livestream đoạn phim khoảng 20 giây trên Facebook và bị phạt 2.500 USD cùng mức án một năm tù giam.

TÚ QUYÊN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm