Phạt tát học sinh 231 cái, cô giáo nói gì?

Sự việc vừa diễn ra khiến dư luận phẫn nộ vì phương pháp giáo dục quá phản sư phạm của giáo viên chủ nhiệm tên T., Trường THCS chuẩn quốc gia Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).

Xót con chỉ biết khóc

Tiếp chúng tôi tại nhà, thân nhân em N. tỏ ra lo lắng, cảnh giác. Trong ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, N. nằm trên giường trùm chăn. Mẹ N. cho biết gia đình đang chịu áp lực từ nhiều phía.

Gia đình xót xa trước sự việc.

Tinh thần vẫn còn hoảng loạn, N. kể lại: “Trong lớp có cả em con cậu cháu. Em cháu vừa tát cháu vừa khóc nhưng không dám tát nhẹ”. Nhận cái tát cuối cùng xong, vì quá đau N. đã văng tục. Lúc này, cô T. giáng thêm một cái tát khiến em nhập viện. Sự việc diễn ra trước mắt tất cả học sinh lớp 6/2, một số học sinh vì sợ đã bật khóc.

Cha của N. bị khiếm thính từ nhỏ, không hoạt động như người bình thường, nhìn con đau chỉ biết rơi nước mắt. Bà Chước (mẹ N.) đau đớn nói: “Bác sĩ khám nói có chảy máu trong. Cô T. có đưa đến 10 triệu, xin tha thứ nhưng chúng tôi đã trả lại. Phía nhà trường, địa phương cũng đến thăm, có thuyết phục gia đình không làm lớn chuyện vì trường sắp được công nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia mức độ II”.

Nguyên nhân N. bị phạt như trên chỉ xuất phát từ một trò đùa, chọc ghẹo lẫn nhau giữa các bạn. Theo BS Lê Văn Hương (Phó Trưởng khoa Ngoại, BV Dinh Mười), nơi em N. điều trị, cho biết N. nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc được, vùng má bị sưng tím, tổn thương phần mềm phía ngoài, há miệng hạn chế, nhai và ăn bị đau. Sau ba ngày điều trị, gia đình đã xin cho em xuất viện.

Chỉ đạo xử lý nghiêm

Lý giải hành động của mình, cô giáo NTPT, người đã phạt em N., cho rằng nhà trường đang xây dựng chuẩn mức độ II, các tiêu chí thi đua rất ngặt nghèo. Trong khi đó, thành tích lớp 6/2 thường xuyên ở cuối bảng nên cô bị áp lực. Ngày 19-11, lớp cô chủ nhiệm bị “cờ đỏ” phát hiện tới mấy lỗi nên trong lúc nóng giận cô đã không bình tĩnh xử lý. “Tôi rất hối hận về việc làm của mình, mong gia đình em N. tha lỗi. Tôi hứa sẽ không tái phạm” - cô T. trần tình.

 

Trường THCS Duy Ninh, nơi xảy ra sự việc.

Thay mặt nhà trường, bà Phạm Thị Lệ Anh (Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh) thừa nhận toàn bộ sự việc, tuy nhiên hy vọng các cơ quan báo chí không làm lớn chuyện. Bà Anh cho rằng đây chỉ là một sai trái của cá nhân, không thể để cả tập thể trường phải chịu ảnh hưởng.

Sáng 24-11, ông ­Phạm Minh Cảnh (Chủ tịch UBND xã Duy Ninh) cho biết: “Sau khi nghe thông tin sự việc, Đảng ủy xã một mặt chỉ đạo nhà trường; các đoàn thể trực tiếp về nhà học sinh thăm hỏi, động viên. Mặt khác, yêu cầu nhà trường có hình thức xử lý kiểm điểm cô giáo. Tinh thần của xã là xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội” - ông Cảnh nói.

Một câu khẩu hiệu trong sân trường.

Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình, cho biết đã yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh tạm đình chỉ công tác đối với cô T. Tin từ Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh, cô giáo T. đã bị tạm đình chỉ công tác .

“Đây là sự việc không thể chấp nhận được, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của học sinh, làm xấu hình ảnh người giáo viên, tôi rất đau lòng. Người lớn bị tát như vậy còn phải nhập viện chứ nói gì một đứa trẻ. Tôi đã quán triệt vụ việc này không được giải quyết theo hướng giảng hòa mà phải xử lý nghiêm cô giáo” - ông Nhân xót xa.

Đó chính là bạo lực học đường!

Sự việc xảy ra tại Trường THCS Duy Ninh khiến cộng đồng dậy sóng. Chính những thầy cô, người làm trong ngành giáo dục, cũng cảm thấy vô cùng phẫn nộ. Cô Phạm Thụy Mộng Thu (giáo viên Trường THCS Lữ Gia, quận 11, TP.HCM) bày tỏ: “Đây là hành vi phản giáo dục. Nó thể hiện rõ tính chất bạo lực học đường. Hình phạt này sẽ để lại di chứng nặng nề cho học sinh về cả tinh thần, thể chất. Nếu học trò nói tục thì có nhiều biện pháp để dạy dỗ. Cách làm của cô T. là không thể chấp nhận được”.

Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM) chia sẻ: “Là một nhà quản lý giáo dục, tôi rất buồn khi phải đọc những thông tin này. Đây là hình phạt rất phản giáo dục. Hơn nữa, người giáo viên đó dùng học trò để đánh bạn đã dạy các em hành vi rất xấu, tạo ra hiện tượng đánh hội đồng. Cách làm này chứng tỏ sự kém cỏi của chính giáo viên. Tôi đề nghị ban giám hiệu trường phải xử lý thật nghiêm khắc”.

Từng chia sẻ về vấn đề xử phạt học sinh khi mắc lỗi, thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội) nhấn mạnh: “Thầy cô có trách nhiệm, bổn phận sửa lỗi cho học trò. Khi xử phạt học trò, thầy cô hãy đứng ở tâm thế của người thầy, bao dung, cao thượng để nhìn nhận và xem xét sự việc”.

NGUYỄN QUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm