Phạt tè bậy: Làm sao để luật không là ‘đòn gió’

Với mức phạt này, nhiều người cho là thấp, không có tác dụng răn đe và người tiểu bậy không ngán để làm bậy.

Nhưng từ 1-2-2017, mức phạt tiền sẽ tăng gấp 10 lần với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ và nơi công cộng. Đây là mức phạt mới được quy định tại Nghị định 155/2016 (thay thế Nghị định 179/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường). Nghị định 155/2016 quy định tăng mức phạt tiền với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng (quy định cũ 50.000-100.000 đồng) với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đồng (quy định cũ 300.000-400.000 đồng) với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị.

Mới thoạt nghe, người dân thấy phấn khởi rằng từ nay nạn tiểu bậy, xả rác bừa bãi sẽ giảm hẳn, tiến dần tới không còn nữa vì những người có thói quen này sẽ sợ và tiếc tiền nên không dám làm bậy nữa. Nhưng vấn đề là ở chỗ ai, lực lượng nào đảm nhiệm việc phạt này?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta thử nhìn sang một vài nước khác xem họ hành xử như thế nào. Ở Singapore, người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000-5.000 đôla và phải lao động công ích trong khoảng vài giờ. Người bị phạt trong bộ quần áo sáng màu đặc trưng sẽ phải làm sạch nơi công cộng, ví dụ nhặt rác tại công viên, đôi khi phương tiện truyền thông địa phương được mời đến để ghi lại sự kiện khiến người vi phạm thấy xấu hổ.

Mức phạt như vậy không hề thấp, nó tương đương 16 triệu đồng cho lần thứ nhất, 32 triệu đồng cho lần thứ hai. Nếu là người lần đầu tiên đến Singapore, bạn sẽ ngạc nhiên vì không thấy bóng dáng viên cảnh sát nào. Nhưng hành vi tiểu bậy, xả rác, nhả bã kẹo cao su ở bất kỳ nơi công cộng nào cũng được camera ghi nhận. Nếu là công dân Singapore sẽ nhận thông báo phạt kèm theo hình ảnh minh chứng, còn nếu là người nước ngoài sẽ thông báo đến khách sạn lưu trú hoặc cấm xuất cảnh nếu lỗi nặng.

Ở Kuala Lumpur (Malaysia), luật ban hành năm 2013 quy định rõ bất cứ ai hút thuốc ở nơi công cộng, nơi cấm thì bị phạt đến 5.000 RM (tương đương 25 triệu đồng). Còn nếu bị kết án tại tòa, người phạm tội có thể bị phạt đến 10.000 RM hoặc bị tù đến hai năm. Ở các TP của Malaysia có nhiều lực lượng có quyền phạt như cảnh sát môi trường, cảnh sát du lịch, cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động bảo vệ an ninh... Những bộ phận được quyền phạt người vi phạm tại chỗ và các thủ tục được công khai, minh bạch, đảm bảo không oan sai và không khuất tất. Cần ghi nhận ở đất nước này ngoài luật quốc gia ra còn có luật của cộng đồng Hồi giáo, những người tham nhũng, tham ô, làm sai trái bị phạt rất nặng.

Trở lại với Nghị định 155/2016 cho thấy khung phạt được nâng lên, gần tương đương với các nước trong khu vực. Nhưng liệu nó có được hiện thực hóa hay chỉ là “đòn gió”?!

Theo Nghị định 179/2013 (ở mục 2, Điều 50 về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND các cấp) thì chủ tịch UBND cấp xã, phường có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng. Nhưng liệu có ông chủ tịch phường nào có thời gian đi phạt những chuyện này không, bởi công việc của phường đã tối mắt tối mũi rồi, chưa kể ngày nào cũng có 2-3 cuộc họp.

Do vậy Chính phủ cần phải trao quyền cho các lực lượng thực thi công vụ này, kể cả việc thành lập các lực lượng như cảnh sát du lịch. Tất nhiên, cùng với việc trao quyền là các cơ chế kiểm sát để họ thực thi đúng chức năng của mình. Nếu chỉ ban hành luật mà không có lực lượng thực thi hữu hiệu thì tình hình sẽ không có chuyển biến gì đáng kể. Và khi đó người dân sẽ cảm thấy nhờn luật, cứ vô tư vi phạm mà không hề sợ bị chế tài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới