Phát triển điện hạt nhân tạo động lực nền tảng để bứt phá

(PLO)- Việt Nam cần phát triển điện hạt nhân ở quy mô lớn với công nghệ thế hệ III+ đã được kiểm chứng và thương mại hóa.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XV đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. TS Hoàng Anh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN), cho rằng đây là thời điểm để Việt Nam phát triển điện hạt nhân, vừa đảm bảo an ninh năng lượng vừa phù hợp mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) theo cam kết của Việt Nam tại COP26.

TS Hoàng Anh Tuấn là một trong những người tham gia trực tiếp việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2009-2016. Khi đó, ông là phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Đào tạo và Thông tin tuyên truyền, trực thuộc Ban chỉ đạo nhà nước dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thời điểm “chín muồi” để phát triển điện hạt nhân

. Phóng viên: QH đồng ý chủ trương tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau tám năm dừng thực hiện, ông có nhận xét gì về việc này?

TS Hoàng Anh Tuấn.

+ TS Hoàng Anh Tuấn: Đây là một chủ trương chiến lược, là sự hội tụ đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn trong nước và quốc tế. Đối với chúng tôi, những người đã tham gia trực tiếp vào quá trình trước đây thì thấy rằng việc khởi động lại dự án điện hạt nhân sớm muộn gì cũng phải làm, không thấy đột ngột.

Tái khởi động dự án bây giờ là kịp thời, có thể tận dụng những kết quả đạt được trong giai đoạn trước, hạn chế được lãng phí. Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ là dự án đầu tiên có vai trò rất quan trọng trong chương trình phát triển điện hạt nhân dài hạn ở Việt Nam.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016. Ảnh: Tư liệu chinhphu

. Như ông chia sẻ thì đây là thời điểm “chín muồi” để chúng ta tái khởi động dự án điện hạt nhân?

+ Đây là thời điểm Việt Nam phát triển điện hạt nhân. Điều này dựa trên các yếu tố là mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP26.

Ưu việt của điện hạt nhân là phát điện nền vững chắc, công suất lớn và hầu như không phát thải khí nhà kính, được coi là nguồn điện xanh, sẽ có vai trò quan trọng trong tổ hợp cơ cấu nguồn điện quốc gia.

. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước đây? Và sau tám năm dừng thực hiện dự án thì những kết quả trước đây có còn sử dụng được?

+ Thời điểm tháng 11-2009, ngay sau khi QH có nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chúng ta đã triển khai ngay dự án, thực tế là tiếp tục công tác đã triển khai từ những năm trước đó.

Kết quả chung là đã ban hành một loạt văn bản pháp lý và quản lý quan trọng, đã có hai địa điểm ở Ninh Thuận được khảo sát, lập hồ sơ, đáp ứng được yêu cầu về an toàn, kinh tế và nhiều khía cạnh khác theo tiêu chí của quốc tế.

TS Hoàng Anh Tuấn làm việc với đoàn chuyên gia IAEA về kế hoạch tích hợp phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân (IWP) tại Hà Nội năm 2014. Ảnh: NVCC

Dự án đã cơ bản hoàn thành lựa chọn công nghệ, đã có báo cáo khả thi, đã có trên 300 sinh viên tốt nghiệp ĐH ở Liên bang Nga về điện hạt nhân, chưa kể hàng trăm cán bộ được cử đi đào tạo ở nước ngoài về quản lý, kỹ thuật và nghiên cứu, đánh giá an toàn…

Về câu hỏi những kết quả đã đạt được giai đoạn trước đến nay còn giá trị không, tôi cho rằng cần có một đánh giá cụ thể, đầy đủ. Nhưng qua nhận xét sơ bộ của chúng tôi, những người đã tham gia giai đoạn trước, có thể nói rằng có nhiều kết quả chúng ta gần như bảo lưu. Ví dụ như văn bản pháp lý trong nước và quốc tế, hồ sơ về địa điểm, hồ sơ dự án, văn bản quản lý dự án…

Dòng lò thế hệ III và III+ gần hoàn thiện về độ an toàn

Chi phí đầu tư điện hạt nhân cao vì phần quan trọng là để bảo đảm an toàn trong tất cả các khâu từ thiết kế, chế tạo, xây lắp và vận hành, bảo dưỡng cho đến tháo dỡ nhà máy và quản lý chất thải phóng xạ.

Trong hơn 50 năm qua, người ta luôn đặt ra và đã từng bước hoàn thiện, nâng cấp độ an toàn điện hạt nhân lên mức rất cao bằng nhiều giải pháp công nghệ và quản lý. Nhiều “hàng rào” bảo vệ phóng xạ, áp dụng nguyên tắc phòng thủ theo chiều sâu, phòng thủ kép, an toàn nội tại, an toàn thụ động, đồng thời với các biện pháp tổ chức, quản lý, đào tạo con người…

Dòng lò thế hệ III và III+ có ưu điểm là giảm thời gian xây dựng; tăng tính an toàn; giảm xác suất tai nạn nóng chảy vùng hoạt; tăng tuổi thọ; giảm sự tác động tới môi trường; giảm lượng chất thải phóng xạ và được nhiều nước xem xét cho chương trình điện hạt nhân của mình.

Chỉ có vấn đề là con người, nhiều người đã về hưu, nhiều người đã chuyển công tác, nhiều người được đào tạo rất bài bản nhưng chưa kịp sử dụng. Hiện giờ không mấy ai nắm được chính xác số lượng con người được đào tạo và làm trong lĩnh vực điện hạt nhân giai đoạn trước đã đi đâu về đâu.

Tuy nhiên, chắc chắn hiện có một số lượng rất đáng kể đang làm việc trong các đơn vị sẽ có vai trò chủ yếu để phát triển điện hạt nhân, nhiều người đã lấy bằng tiến sĩ sau khi dự án tạm ngừng. Cùng với đó là những tài liệu kỹ thuật cũng cần được tập hợp lại, kinh nghiệm, tổ chức, những tài liệu trung gian… Đây là những nguồn lực rất quý, cần phát triển tiếp.

Nếu để đánh giá chúng ta đã đi được đến đâu trong chặng đường đó thì năm 2012, đoàn công tác của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã làm việc với Bộ KH&CN với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và khẳng định Việt Nam đang ở giai đoạn 2, hướng đến cột mốc số 2 là sẵn sàng cho khởi công xây dựng nhà máy.

Nhiều việc cần làm ngay

. Theo ông, những việc cần làm, những thách thức lớn nhất khi tái khởi động dự án điện hạt nhân là gì?

+ Nội dung chuẩn bị đầu tiên rất quan trọng, mang tính nền tảng đó chính là quyết định của Trung ương và QH mới đây về chủ trương phát triển điện hạt nhân và tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đó chính là sự cam kết, là tuyên bố quốc gia về phát triển điện hạt nhân, tạo động lực nền tảng để huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển.

Còn có rất nhiều việc cần làm khi tái khởi động dự án, kèm theo đó là nhiều thách thức. Những việc cần làm ngay như thiết lập hệ thống tổ chức để quản lý dự án, xây dựng chính sách, đánh giá và lựa chọn công nghệ, quy hoạch phát triển điện hạt nhân, hợp tác quốc tế, hoàn thiện văn bản pháp lý, văn bản quản lý, hoàn thiện hồ sơ địa điểm và dự án, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết khác trên cơ sở kế thừa và phát triển các kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước và phát huy lợi thế trong bối cảnh mới.

Về thách thức, tôi cho rằng vẫn là những thách thức chung với một quốc gia mới bắt đầu làm dự án điện hạt nhân đầu tiên, đó là thiếu chuyên gia, thiếu kinh nghiệm. Thách thức thứ hai là nguồn vốn lớn và thời gian xây dựng nhà máy khá dài, tiến độ dự án có thể bị chậm vì các vấn đề phát sinh. Thách thức thứ ba là vấn đề thiết lập một hệ thống quản lý thích hợp, có sức mạnh và hiệu quả.

Ưu thế của điện hạt nhân

. Với suất đầu tư cao hơn so với các nguồn năng lượng khác thì đâu là ưu thế cho điện hạt nhân, thưa ông?

+ Điện hạt nhân có suất đầu tư rất lớn, có thể lên đến 5-6 triệu USD/MWe, trong khi đó điện gió trên bờ khoảng 1,5 triệu USD/MWe, điện gió ngoài khơi 4 triệu USD/MWe, điện mặt trời không pin lưu trữ 1,5 triệu USD/MWe.

Tại sao điện hạt nhân vẫn có khả năng cạnh tranh và vai trò cần thiết trong tổ hợp năng lượng (gồm thủy điện, nhiệt điện khí, điện năng lượng tái tạo và điện hạt nhân)? Vì khi xét về tài chính và kinh tế của điện hạt nhân cũng như với nguồn điện khác ta phải tính đến cả vòng đời của nhà máy. Một nhà máy điện hạt nhân với công nghệ hiện đại hiện nay cho phép hoạt động tốt là 60 năm, có dự án có thể lên 80 năm.

Trong suốt thời gian hoạt động dài như vậy thì hệ số công suất mà nhà máy có thể đáp ứng được rất cao, có thể lên 90%-95%, có nhà máy có lúc lên gần 100%. Điện hạt nhân không phụ thuộc thời tiết, mưa nắng hay ngày đêm đều phát điện ở công suất gần như thiết kế. Trong khi đó, điện mặt trời chỉ hoạt động ban ngày, điện gió chỉ hoạt động khi có gió, khi bão lớn có thể ngừng hoạt động.

Như vậy ta thấy cùng với mức đầu tư, ta được nhà máy hoạt động 60-80 năm, hoạt động 24/7, khác với nhà máy năng lượng tái tạo chỉ hoạt động 20-30 năm phải tháo dỡ, xây nhà máy mới, công suất hoạt động khai thác được chỉ vài chục %. Bên cạnh đó, điện hạt nhân cần nhiên liệu nhưng nhiên liệu lại khá rẻ và có thể dự trữ được nhiều năm, khác với nguồn điện khác như khí, than.

So sánh gần đúng như vậy để thấy tuy mức đầu tư cao nhưng giá trị khai thác, sử dụng điện hạt nhân là rất lớn. Kết quả nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn trên thế giới chỉ ra rằng điện hạt nhân hoàn toàn cạnh tranh kinh tế được với các nguồn điện ít phát thải khác.

Trong tầm nhìn trung và dài hạn, Việt Nam cần phát triển điện hạt nhân ở quy mô lớn, nên lựa chọn công nghệ thế hệ III+, là công nghệ điện hạt nhân tiên tiến, công suất lớn, đã được kiểm chứng và thương mại hóa.

. Xin cảm ơn ông.

Thủ tướng làm trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Ngày 10-1, Thủ tướng ký Quyết định 72 thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân (Ban chỉ đạo).

Theo quyết định, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng Ban chỉ đạo. Phó trưởng Ban thường trực là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, làm phó trưởng ban.

Các thành viên là ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT; ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT; ông Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Ban chỉ đạo còn có lãnh đạo các bộ Công an; Xây dựng; Tài chính; Ngoại giao; GTVT; TT&TT; NN&PTNT; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường QH.

Phía địa phương, doanh nghiệp có ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ban chỉ đạo có tổ giúp việc do lãnh đạo Bộ Công Thương làm tổ trưởng. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện và tham mưu, đề xuất giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ban chỉ đạo thực hiện hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong phát triển điện hạt nhân…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới