Phát triển du thuyền, tạo nguồn thu mới cho TP.HCM

Phát triển du thuyền, tạo nguồn thu mới cho TP.HCM

(PLO)- Để xây dựng hệ sinh thái du lịch hiện đại, phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn cần có sự chung tay của địa phương và doanh nghiệp.

Báo Pháp Luật TP.HCM từng có tuyến bài đề cập về vị trí địa lý lý tưởng, hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du thuyền ở Việt Nam và cả những vướng mắc khiến ngành này chưa thể vươn ra biển lớn. Trò chuyện với PV, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch CLB Du thuyền TP Thủ Đức, kỳ vọng ngành du thuyền có thể tạo ra nguồn thu mới cho TP thông qua việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến khám phá.

Video: Phát triển du thuyền, tạo nguồn thu mới cho TP.HCM
TP.HCM cần xem xét mô hình đầu tư công tư để có thêm những bến du thuyền đạt chuẩn. Ảnh: P.ĐIỀN
TP.HCM cần xem xét mô hình đầu tư công tư để có thêm những bến du thuyền đạt chuẩn. Ảnh: P.ĐIỀN

Đột phá phát triển ngành du thuyền

. Phóng viên: Sông Sài Gòn có vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông, thu hút du lịch và phát triển kinh tế TP. Tuy nhiên, tiến trình này chưa đạt như kỳ vọng, theo ông, vướng mắc hiện nay là gì?

p9-bai-duthuyen-hinhtemnhanvat-phamvanviet.jpg

+ Ông Phạm Văn Việt: Vấn đề chung mà nhiều dự án phát triển kinh tế và du lịch đô thị phải đối mặt là ô nhiễm môi trường. Sông Sài Gòn cũng bị ô nhiễm, điều này có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của dòng sông và tác động tiêu cực đến du lịch. Đồng thời, việc thiếu kế hoạch quy hoạch đô thị toàn diện và hiệu quả có thể tạo ra những khó khăn khi phát triển hạ tầng, giao thông và các dự án quan trọng khác liên quan đến dòng sông. Chưa kể, sự gia tăng về lượng du khách có thể đặt ra thách thức trong việc quản lý du lịch, phải cân đối lợi ích kinh tế mà không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, cộng đồng địa phương.

. Với lợi thế đắc địa, thuận lợi kết nối liên tỉnh, TP.HCM cần làm gì để tạo sự đột phá cho ngành du thuyền và phát triển kinh tế ven sông?

+ Theo tôi, cần xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nối liền TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ. Đồng thời, phát triển bến du thuyền và các trung tâm dịch vụ ven sông để thu hút du khách và người chơi du thuyền.

Cùng với đó, xây dựng quy hoạch phát triển bền vững cho khu vực ven sông, bao gồm cả việc quản lý sử dụng đất, xây dựng các khu đô thị du lịch và nghỉ dưỡng. Khuyến khích những dự án tiện ích như nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm và giải trí… Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du thuyền bằng cách giảm quy định, thuế và phí liên quan. Khuyến khích các chương trình hợp tác công tư (PPP) để xây dựng và quản lý các tuyến du thuyền.

Tạo điểm nhấn trên bản đồ du lịch

. Dọc bờ sông Sài Gòn có nhiều điểm lý tưởng để phát triển bến du thuyền, ông có đánh giá gì về hướng đi này?

+ Phát triển ngành du thuyền dọc theo bờ sông Sài Gòn là một hướng đi triển vọng và có thể mang lại nhiều lợi ích cho khu vực. Phát triển ngành du thuyền có thể tạo ra nguồn thu nhập mới cho TP thông qua việc thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham gia các hoạt động du thuyền và khám phá dòng sông. Các doanh nghiệp, dịch vụ khác có thể hưởng lợi từ sự tăng cường hoạt động du lịch và giải trí ven sông.

Xu hướng này có thể thúc đẩy sự đầu tư vào hạ tầng du thuyền, giúp cải thiện tiện ích, tạo thuận lợi cho du khách và doanh nghiệp. Chúng ta nên hợp tác với đối tác quốc tế, nhà sản xuất du thuyền và tổ chức nước ngoài để quảng bá thương hiệu của TP.HCM. Tóm lại, việc phát triển du thuyền có thể mang lại nhiều lợi ích đa chiều cho TP, từ du lịch đến văn hóa và kinh tế, tạo ra một không gian sống sôi động và độc đáo.

Du thuyen 1.JPG

. TP.HCM đã ban hành nhiều kế hoạch để thúc đẩy kinh tế ven sông phát triển. Vậy làm thế nào để mục tiêu này nhanh chóng đạt kết quả?

+ Tôi cho rằng cần xây dựng kế hoạch quy hoạch đô thị bền vững cho đôi bờ sông Sài Gòn. Điều này bao gồm việc xác định các khu vực cho phát triển thương mại, dịch vụ, nhà ở và công viên để tối ưu hóa lợi ích.

Bên cạnh đó, xác định và phát triển các khu vực đặc thù kinh tế ven sông, tập trung vào những ngành nghề có thể phát triển mạnh mẽ như du lịch, giải trí và thương mại.

Phát triển các điểm du lịch ven sông, bao gồm cả khu vực nghỉ dưỡng, nhà hàng và các hoạt động giải trí để thu hút du khách và tăng cường năng lực thu nhập cho khu vực.

. Ông có đề xuất gì để thúc đẩy du thuyền vươn ra biển lớn, kinh tế ven sông phát triển thịnh vượng?

+ Tôi kỳ vọng TP sẽ tạo ra môi trường hợp tác tích cực giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp. TP cần cam kết đầu tư vào hạ tầng du thuyền, bao gồm cả cảng du lịch, bến neo đậu và các tiện ích khác.

Cùng với đó, phát triển một kế hoạch quy hoạch đô thị đồng bộ cho khu vực ven sông, đảm bảo có cân nhắc kỹ về kinh tế và môi trường, bền vững và phát triển dài hạn.

Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành du thuyền và kinh tế ven sông thông qua chính sách và cơ chế cụ thể. Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực này để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho du khách.

. Xin cảm ơn ông.•

Nhà nghiên cứu TRẦN HỮU PHÚC TIẾN:

p9-bai-duthuyen-hinh1-tranhuuphuctien.jpg

Khảo sát kỹ dòng sông và có chiến lược, lộ trình cụ thể

Chúng ta cần xác định mục tiêu phát triển các tour du thuyền trên sông không chỉ vì nguồn lợi kinh tế, đó còn là mục tiêu tạo thêm cơ sở hạ tầng và phương tiện cho người dân TP thưởng ngoạn thiên nhiên, giữ gìn môi trường sinh thái.

Mặt khác, thông qua các hoạt động du lịch sông nước, giới trẻ sẽ có thêm cơ hội tìm hiểu lịch sử, nguồn lợi và thế mạnh của TP. Từ đó có nhiều ý tưởng cho các dự án nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, đóng góp giá trị cho TP.

Chính quyền TP, các sở, ngành, trường đại học và doanh nghiệp có thể phối hợp, thực hiện nhiều chuyến khảo sát sông Sài Gòn, tham khảo cách làm từ các đô thị có hoạt động du lịch và vận tải đường thủy tiêu biểu như Paris, Budapest, Vancouver, Bangkok, Singapore… rồi cùng thảo luận và thống nhất chiến lược, kế hoạch cụ thể tổ chức các tour và bến du thuyền như thế nào trong ba năm, 10 năm… tới.

TS - kiến trúc sư NGUYỄN ANH TUẤN, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung Sở QH-KT TP.HCM:

p9-bai-duthuyen-hinh2-nguyenanhtuan.jpg

Quy hoạch đảm bảo tính tổng thể, kết nối liên hoàn

Không gian phát triển ven sông Sài Gòn và du thuyền đang được các nhà đầu tư, nhà sản xuất đánh giá là rất hấp dẫn để đầu tư, khai thác.

Do vậy, TP cần nhìn nhận tổng thể để quy hoạch không gian phát triển hài hòa lợi ích kinh tế, lợi ích cộng đồng. Với không gian đô thị chật hẹp, cần tính toán cẩn trọng trong quy hoạch mang tính tích hợp. Riêng ngành du thuyền, cần quan tâm đến hạ tầng như khu vực sản xuất, bến cảng phải đảm bảo tính kết nối liên hoàn, liên vùng. Tương tự, kinh tế ven sông cũng đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, không gian công cộng. Như vậy, ngành du thuyền và kinh tế ven sông sẽ dẫn dắt nhưng không làm méo mó không gian đô thị.

TP đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế ven sông, tuy nhiên tổng thể cần sự tham gia liên ngành để hoàn chỉnh, đáp ứng lợi ích lâu dài để lại cho thế hệ mai sau chứ không thể cắt cúp, gián đoạn.

Chuyên gia kinh tế NGUYỄN VIỆT KHOA:

p9-bai-duthuyen-hinh3-nguyenvietkhoa.jpg

Cởi mở hơn về chính sách với tàu thuyền nước ngoài

Hệ thống sông Sài Gòn trải rộng nhưng chưa được đầu tư tương xứng, chưa kích thích giao thông thủy phát triển, góp phần giảm áp lực cho giao thông bộ. TP cần mạnh tay giải tỏa những khu vực lấn chiếm kết nối với không gian sông nước. Để phát triển mà không phá vỡ cảnh quan, kiến trúc, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan, Hà Lan. Đặc biệt, cần cởi mở việc cấp phép, mở cửa cho thuyền các nước đến du lịch, tham gia các hoạt động thể thao dưới nước.

Ông NGUYỄN TRẦN HỮU THẮNG, Tổng Thư ký CLB Du thuyền TP Thủ Đức:

p9-bai-duthuyen-hinh4-nguyentranhuuthang.jpg

Đơn giản hóa thủ tục, quy trình

TP.HCM có thể xem xét đơn giản hóa quy trình và thủ tục pháp lý để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư qua các chương trình như ưu đãi thuế, hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp tham gia các dự án. Song song đó, đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân sự làm việc trong lĩnh vực du thuyền và kinh tế ven sông, từ hướng dẫn viên du lịch đến những người quản lý cảng và các dịch vụ khác.

Đọc thêm