‘Phát triển đường thủy, khoan xây cao tốc Bắc-Nam’

Tuần trước, trong những buổi thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến việc xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam. Bộ GTVT cũng đã có tờ trình về đề án này.

“Tôi không ủng hộ xây dựng cao tốc Bắc-Nam vì đất nước không cần nhiều đường cho ô tô chạy như thế. Phương thức vận tải không phải là yếu tố quyết định để Chính phủ đầu tư các dự án giao thông, vận tải” - bên lề hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nói với báo giới.

Không đầu tư mọi giá cho đường bộ

. Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn quan điểm của mình?

+ Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi cho rằng không nhất thiết phải đầu tư bằng mọi giá cho đường bộ. Khoảng cách từ biển vào đến biên giới ở Hà Tĩnh, thế giới hay gọi là “vùng cán xoong”, chỉ có 70 km. Nếu chạy theo trục dọc đó, chúng ta đã có đường sắt Bắc-Nam, có đường Hồ Chí Minh, rồi đường bộ chạy từ sông Bưởi đi vào, quốc lộ 1A cũng mới cải tạo xong. Nhiều tuyến giao thông song song như thế, thử hỏi có cần phải làm thêm đường nữa không?

Quy hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay là phát triển hai đầu tàu TP.HCM và Hà Nội, tức cụm kinh tế trọng điểm khu vực miền Nam và khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hàng hóa đâu còn phải đi đường bộ từ Bắc vào Nam và ngược lại nhiều như trước kia. Xi măng chúng ta chuyển clinker bằng đường bộ tốt hay đường thủy tốt hơn? Xuất khẩu gạo cũng vậy.

. Nếu không xây cao tốc Bắc-Nam, chúng ta phải làm gì để đảm bảo giao thông đường bộ phát triển?

+ Thay vì đặt ra vấn đề đầu tư cao tốc Bắc-Nam, chúng ta cần đảm bảo đường Hồ Chí Minh chạy tốt bốn mùa để phân luồng giao thông từ miền Trung, Tây Nguyên và TP.HCM ra phía Bắc tốt hơn. Trên tuyến đường này cần làm nhiều đường ngang, nối từ ven biển miền Trung lên Tây Nguyên. Khi đó áp lực giao thông của quốc lộ 1 sẽ giảm rất nhiều.

Một vấn đề nữa, Nghị quyết Trung ương 4 khóa IX xác định Việt Nam là quốc gia biển và chiến lược đến năm 2020 là 60% GDP phải liên quan đến biển. Vậy chúng ta đầu tư cho biển cái gì?

Mới đây, Thủ tướng đã ký với Campuchia, Lào, Myanmar mở đường cao tốc từ TP.HCM đi Phnompenh, từ Hà Nội - Vinh - Viêng Chăn… để kéo sang Thái Lan, tạo trục giao thông Đông-Tây. Như vậy phải có tiền để đối ứng. Nếu đi vay ODA của Hàn Quốc, Nhật Bản… thì cũng phải có tiền để giải phóng mặt bằng, chứ không lấy tiền ở đâu?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần tăng cường đầu tư hàng hải, vận tải biển hơn là xây đường cao tốc Bắc-Nam. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Hiệp Phước, TP.HCM. Ảnh: Hữu Luận

Cần phát triển mạnh giao thông thủy

. Nhưng nhu cầu về giao thông, vận tải hàng hóa hiện vẫn rất lớn. Vậy ông có đề xuất gì không?

+ Theo tôi, nếu đã xác định quốc gia phải đi lên từ biển thì cần tăng cường đầu tư hàng hải, vận tải biển. Nhưng cũng đừng ngộ nhận rằng chúng ta phải xây dựng được một tập đoàn vận tải biển hoành tráng. Nước Mỹ GDP 17.000 tỉ USD/năm mà làm gì có tập đoàn vận tải biển. Các tập đoàn vận tải biển lớn hiện nay đều của Đài Loan, Hàn Quốc…

Vấn đề của chúng ta là phải đầu tư cảng, thiết bị bốc xếp, cơ sở hậu cần đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Hãy nhìn sang Singapore xem họ đã phát triển logistic tốt như thế nào.

. Ủy ban Kinh tế có nhận được nhiều đề án phát triển giao thông vận tải biển không?

+ Rất nhiều. Một thời chúng ta nói cảng Hải Phòng lỗ, phải cổ phần hóa thì mới có lãi được. Nếu lỗ, tại sao nước ngoài đề nghị mua cảng Hải Phòng? Nếu kinh doanh cảng không có lãi, tại sao Chính phủ Mỹ lại bác việc Trung Quốc đề nghị mua cảng New York?

Trước đây chúng ta phát triển nhanh các đội tàu vì thấy khả năng mua các đội tàu về chạy hoặc cho thuê là có lãi ngay, chứ chưa quan tâm đến phát triển bền vững. Trong khi muốn phát triển bền vững, trước tiên cần phải làm tốt khâu hậu cần. Người Pháp trước đây khi làm cảng Hải Phòng đã kèm theo đường sắt ra tới tận cảng. Hoặc khi thiết kế Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Liên Xô thiết kế luôn cả ga đường sắt Bỉm Sơn. Trong khi hiện nay rất hiếm các công trình, dự án lớn của ta kết nối với hệ thống đường sắt. Chưa kể Đà Nẵng, Quy Nhơn còn xin bóc ga đường sắt ra để bán đất. Đó là lợi ích cục bộ thể hiện qua từng đề xuất, quyết định của mỗi địa phương.

Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất của quốc gia phải ngăn chặn những điều đó.

. Xin cám ơn ông.

Xây cao tốc Bắc-Nam để phát triển kinh tế

Ở nhiều quốc gia phát triển, người ta làm đường cao tốc trước rồi mới tính đến những phương thức vận tải khác. Khi Chính phủ cân nhắc giữa nâng cấp quốc lộ 1 và xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, cuối cùng phương án nâng cấp quốc lộ 1 đã được chọn lựa. Thực tế việc nâng cấp quốc lộ 1 vừa rồi còn hạn chế, có nhiều đoạn vừa làm xong đã hỏng. Trong khi lẽ ra phải xây dựng cao tốc Bắc-Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế ở 30 tỉnh, thành mà đường cao tốc này đi qua.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG

Về lâu dài chắc phải làm

Tuyến quốc lộ 1 những năm qua đã đầu tư vào hơn 60.000 tỉ đồng nhưng còn nhiều hạn chế. Đường cao tốc Bắc-Nam về lâu dài chắc phải làm.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Quảng Trị

Khi nào GDP 10.000 USD/người hãy làm cao tốc Bắc-Nam

Tôi không ủng hộ làm đường cao tốc Bắc-Nam. Thay vào đó nên làm những tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, TP.HCM - Vũng Tàu vì đây là hai tuyến giao thông quan trọng của hai cụm kinh tế đầu tàu của đất nước.

Ngoài ra, cần phát triển vận tải đường biển vì vận tải hàng hóa bằng đường biển rất có lợi. Một đất nước với 3.200 km bờ biển mà không phát triển vận tải biển thì e rằng không hợp lý, không tận dụng được lợi thế, tiềm năng.

Tôi cho rằng khi nào bình quân GDP đạt 10.000 USD/người thì hãy tính đến chuyện làm cao tốc Bắc-Nam. Riêng đề xuất vay ODA của Trung Quốc để làm cao tốc Bắc-Nam phải hết sức thận trọng. Những bài học khi thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn còn đó.

TS VÕ ĐẠI LƯỢC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm