Sáng 27-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Các ĐBQH đã đề nghị cần cho Hà Nội cơ chế mạnh mẽ để phát triển theo mô hình đô thị TOD, tức gắn phát triển đô thị với giao thông công cộng. Đây chính là lời giải cho các đô thị lớn, có mật độ dân số cao như Hà Nội, TP.HCM.
Góp ý về nội dung này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh bên cạnh phát triển mô hình đô thị TOD đối với những đô thị mới, Hà Nội cần tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong khu vực nội đô.
Cùng với đó là khai thác không gian ngầm, không gian trên cao và mặt đất để phát triển thương mại dịch vụ, nhà ở cho người dân cũng như các công trình công cộng… "Do vậy, thành phố không nên dành tiền để xây dựng những con đường đắt nhất hành tinh mà nên dành ngân sách đó để đầu tư cho những dự án TOD trong khu vực nội đô", ĐB Cường nói.
Cùng nội dung này, ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị, góp phần giảm tắc đường, là hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.
Tuy nhiên, theo ĐB với mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng "xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ và các xung đột lợi ích của nhiều bên" có thể nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại.
“Nếu xác định TOD là mô hình giao thông mới, cần làm rõ mô hình này có sự khác biệt thế nào so với quy định trong dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ? Bên cạnh đó, cần thiết kế như thế nào để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ mới xuất hiện, đảm bảo năng lực quản lý tốt mô hình TOD?” - ĐB đề nghị.
Cần tăng số đại biểu HĐND
Góp ý cho dự luật, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) thống nhất với dự thảo luật về tăng số lượng đại biểu HĐND từ 95 lên 125 đại biểu. Khi không còn HĐND quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND TP đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng là hợp lý.
Tuy nhiên, theo ông việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND TP Hà Nội.
Từ đó, ông đề nghị Cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30 hoặc 40% như đối với ĐBQH để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Đồng thời, xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND TP trong việc cho ý kiến thống nhất với UBND TP trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của UBND TP Hà Nội...