Phát triển hệ thống xe buýt nhanh

Xe máy là nguyên do chính làm cho bài toán giao thông của TP.HCM rối bời. Không còn cách khác, TP phải phát triển hệ thống giao thông công cộng và nâng cán cân người sử dụng loại phương tiện công cộng lên mức trên 50%.

Xe máy sẽ là “kẻ thù”...

Hiện nay, số phương tiện lưu thông cá nhân chiếm đến 93%, trong khi đó giao thông công cộng chỉ có 7%. Tôi nghĩ rằng, các cơ quan chức năng cũng như người dân hãy xem việc đẩy lùi xe máy như là một “cuộc chiến” để quyết tâm thực hiện cho bằng được việc cắt giảm xe máy. Làm sao để cho người dân thấy rằng, xe máy trong tương lai chính là “kẻ thù” của việc lưu thông và gây cản trở cho chính sự đi lại của mình.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM.Ở các nước trên thế giới, nếu như số vụ tai nạn do xe máy gây ra chiếm hơn 50% thì người ta đã cấm ngay việc lưu thông phương tiện này. Trong khi đó, TP còn quá “nhân nhượng”, chưa thật sự quyết liệt trong việc cắt giảm xe máy. Đến bây giờ, với lượng xe máy như thế này, khó có thể vạch ra lộ trình.

Biện pháp thiết yếu lúc này là phải “gây khó” cho người sử dụng phương tiện xe máy. TP nên áp dụng nhanh việc đánh thuế đăng ký, thuế lưu thông các phương tiện xe cá nhân (và sử dụng số tiền này phục vụ hoàn toàn vào mục đích xây dựng giao thông), tăng cường chế tài, cấm xe máy vào một số khu vực cụ thể... Tiến tới nên có chủ trương cấm hẳn luôn xe máy lưu thông trong nội thành, như một số nước đã áp dụng.

Xe buýt nhỏ, nhanh

Xe buýt là một phương tiện công cộng cần thiết để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông. Nhưng bấy lâu nay, TP chưa có một hệ thống hoàn chỉnh về xe buýt: từ việc quy hoạch tuyến đường, thống nhất chất lượng dịch vụ, cùng các biện pháp tuyên truyền khác. Chúng ta cứ tăng xe, tăng tuyến một cách vô tội vạ, làm cho mạng lưới giao thông dính chùm lại, khiến xe buýt chịu “tiếng oan” là kẻ gây ra ùn tắc.

Song song đó, TP đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hệ thống phương tiện công cộng quy mô lớn như tàu điện ngầm (metro), tàu trên không... để “giải vây” cho các múi giao thông của nội thành. Khi xây dựng xong, TP cần phải có những chính sách thật hợp lý về khuyến dụng, chất lượng dịch vụ nhằm thu hút người dân sử dụng.

Vì thời gian thực hiện một hệ thống metro mất ít nhất khoảng mất năm. Nên tôi nghĩ, TP cũng nên áp dụng giải pháp ngắn hạn hơn là phát triển hệ thống BRT (xe buýt nhanh) trên các tuyến đường ở trung tâm TP. Loại phương tiện này nhỏ nhưng có dung lượng chuyên chở lớn, thời gian đầu tư lại ngắn (từ một năm rưỡi đến hai năm), có thể đáp ứng cho việc đi lại của người dân trong nội thành, nhất là những khu sẽ cấm hẳn xe máy lưu thông, cũng như tỏa ra các tuyến ngoại thành. Hiện nay, các nước đang phát triển ở châu Mỹ La-tinh, nơi có những vấn đề tương tự về phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông như TP. HCM đang áp dụng rất thành công loại phương tiện giao thông công cộng này.

PGS-TS Phạm Xuân Mai (Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM)

Chi phí đầu tư BRT thấp

Năng lực chuyên chở hành khách của hệ thống BRT đã được tổng kết trên thế giới là lớn hơn nhiều so với hệ thống đường sắt nhẹ. Ước tính trong một giờ, theo một hướng, BRT có thể vận chuyển được 35.000 hành khách với tốc độ vận hành hệ thống BRT bình quân là 20 km/h. So với các phương tiện giao thông công cộng hiện nay, tốc độ này được đánh giá là khá tốt, bởi vận tốc của metro chỉ là 30 km/h và xe buýt bánh lốp chạy điện là 15 km/h.

Hệ thống BRT cho phép sự linh động lớn đối với quá trình phát triển trong tương lai. Chi phí xây dựng và chi phí khai thác thấp hơn so với đường sắt nhẹ và tàu điện ngầm.

(Theo www.giaothongvantai.com)

M.CƯỜNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm