Phát triển nhà ở xã hội ở TP.HCM còn chậm, rời rạc

(PLO)- Đoàn giám sát HĐND TP.HCM chỉ rõ, giai đoạn 2021-2025, khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển thêm 35.000 căn hộ nhà ở xã hội là rất thấp, khó khả thi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-12, kỳ họp thứ 13 (kỳ họp cuối năm) HĐND TP.HCM khóa X bước vào ngày làm việc thứ 3.

Một trong số những nội dung tại ngày làm việc cuối này, là thực hiện giám sát chuyên đề đối với việc triển khai thực hiện các dự ánnhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2025.

Phát triển nhà ở xã hội ở TP.HCM còn chậm, rời rạc-ky-hop-13-hdnd-tphcm.jpg
Ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khoá X. Ảnh: NGUYỆT NHI

Số liệu báo cáo không thống nhất

Tại phiên báo cáo giám sát nội dung NƠXH, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM, cho biết kết quả giám sát cho thấy, theo báo cáo 262, tháng 9-2023, TP.HCM có 93 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 256,75ha; quy mô dự kiến khoảng 126.077 căn hộ, giai đoạn 2016-2020

Trong số 93 dự án, chỉ có 30 dự án được cấp phép xây dựng, quyết định phê duyệt dự án. Kết quả, có 20 dự án đã hoàn thành (18 dự án hoàn thành toàn bộ và 2 dự án hoàn thành một phần), chiếm tỉ lệ 21,5%.

Trong đó có 6/20 dự án đã và đang được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở xã hội.

Đoàn giám sát HĐND TP đối chiếu với Quyết định 5087 năm 2018 của UBND TP, về kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, ban hành danh mục nhà ở xã hội gồm 53 dự án, khu đất đang triển khai và 47 dự án, khu đất dự kiến hoàn thành giai đoạn này.

Qua đối chiếu, rà soát giữa 93 dự án tại Báo cáo 262 và Quyết định 5087, Đoàn giám sát Thường trực HĐND TP.HCM ghi nhận có 53/93 dự án theo thống kê của UBND TP nằm ngoài danh mục, 40/93 dự án có trong danh mục ban hành theo Quyết định 5087.

Ngược lại, có 14 dự án ban hành kèm theo Quyết định 5087 nhưng chưa được thống kê trong Báo cáo 262, dẫn đến không có thông tin và tiến độ liên quan đến các dự án này.

Về kết quả hoàn thành 20 dự án theo Báo cáo 262 thì trong 20 dự án đã hoàn thành, có19 dự án sử dụng vốn doanh nghiệp, 1 dự án sử dụng vốn ngân sách.

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Đoàn giám sát Thường trực HĐND TP.HCM ghi nhận từ báo cáo của UBND thành phố vào năm 2022, nguồn vốn xây dựng có 2 dự án sử dụng vốn ngân sách, 16 dự án sử dụng vốn doanh nghiệp, 1 dự án vừa ngân sách vừa vốn doanh nghiệp.

"Như vậy, số liệu báo cáo cùng một nội dung của UBND TP là không thống nhất"- Trưởng ban đô thị, HĐND TP.HCM cho hay.

Ngoài ra, khi so sánh các báo cáo của UBND TP.HCM, HĐND TP.HCM thấy số liệu diện tích nhà ở xã hội tăng thêm "không chính xác, không thống nhất". Cụ thể, ở báo cáo của UBND TP.HCM năm 2022, diện tích sàn nhà ở xã hội toàn TP.HCM tăng thêm 1,23 triệu m2.

Phát triển nhà ở xã hội ở TP.HCM còn chậm, rời rạc-ban-do-thi-hdnd-nha-o-xa-hoi.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM báo cáo kết quả giám sát. Ảnh: NGUYỆT NHI

Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM có 91 dự án NƠXH với khoảng 98.685 căn hộ. Trong đó có 79 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước và 12 dự án mới.

Kết quả, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án NƠXH với quy mô 623 căn hộ, đạt 2,39% so với chỉ tiêu đề ra.

Đến nay đã hoàn thành 3/91 dự án (đạt 3,3%), 13/91 dự án đang triển khai (chiếm 14,29%), 75/91 dự án chưa triển khai (chiếm 82,41%).

HĐND TP.HCM đánh giá, trong 3 dự án hoàn thành, có 1 dự án hoàn thành toàn bộ năm 2022, và 2 dự án hoàn thành một phần chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, chỉ có thể tính 1 dự án hoàn thành toàn bộ vào chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội tăng thêm của giai đoạn 2021 - 2025, còn 2 dự án hoàn thành một phần chuyển tiếp qua giai đoạn này sẽ không được tính vào niên độ trên.

"Việc UBND TP.HCM tính diện tích sàn nhà ở xã hội của dự án hoàn thành một phần chuyển tiếp vào giai đoạn 2021 - 2025 là chưa phù hợp", đại biểu Nguyễn Thị Thanh Vân nói.

HĐND TP.HCM chỉ ra khi đối chiếu giữa Báo cáo 262 mà đoàn giám sát nhận được hồi tháng 9.2023 và Quyết định 4151 ban hành hồi tháng 12-2021 của UBND TP.HCM về kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, thì có 28/91 dự án nằm ngoài danh mục ban hành kèm theo Quyết định 4151.

Ngược lại, có 20 dự án thuộc danh mục nhà ở xã hội ban hành kèm theo Quyết định 4151 nhưng chưa được thống kê nên không có thông tin và tiến độ liên quan.

HĐND TP.HCM cho rằng, chính việc thống kê không chính xác này dẫn đến công tác quản lý nhà nước với các dự án nhà ở xã hội còn rời rạc, thiếu tính hệ thống, chưa chặt chẽ và chưa hiệu quả.

Kết luận, đoàn giám sát của HĐND TP.HCM cho rằng, mặc dù các dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020 phát triển nhanh nhưng kết thúc giai đoạn này TP.HCM không đạt chỉ tiêu phát triển 1,78 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội (chỉ đạt tỷ lệ 66,8%).

Giai đoạn 2021-2025, khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương 35.000 căn hộ) là rất thấp, khó khả thi.

Còn nhiều bất cập

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho hay, việc phát triển nhà ở hiện nay tại TP.HCM đang gặp khó khăn, vướng mắc nhiều ở khâu công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, chưa thể bố trí quỹ đất cho phát triển NƠXH trong một số đồ án quy hoạch đã làm ảnh hưởng đến sự chủ động trong việc chuẩn bị quỹ đất để thực hiện.

Hiện quỹ đất phát triển NƠXH chủ yếu từ quỹ đất 20% mà chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải bàn giao do các doanh nghiệp tự bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng; nhưng các chủ đầu tư này còn chậm bàn giao.

Phát triển nhà ở xã hội ở TP.HCM còn chậm, rời rạc-giam-doc-so-xay-dung-noi-ve-nha-o-xa-hoi.jpg
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân trả lời tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỆT NHI

Về cơ chế, chính sách, ông Quân nhận định nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ các chủ đầu tư vay và thực hiện dự án NƠXH, vay vốn xây dựng, các đối tượng được hưởng chính sách NƠXH vay vốn mua nhà là chưa ổn định.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng chính sách xã hội TP.HCM chỉ được cấp nguồn vốn khoảng 150 tỉ đồng để cho các đối tượng vay mua NOXH với lãi suất 4,7%/năm. Tuy nhiên, mức vay này còn thấp so với giá trị căn nhà và đối tượng vay còn hạn chế.

Chủ đầu tư chưa được tiếp cận nguồn vốn này dẫn đến phải đi vay ngân hàng thương mại với lãi suất 9%/năm, dẫn đến tăng giá thành NƠXH, người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận được.

Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng chỉ ra, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp dẫn đến không thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư các dự án.

Ngoài ra, việc quy định các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% số căn hộ của dự án để cho thuê, sau 5 năm mới được bán làm chậm thu hồi vốn và kém hấp dẫn với nhà đầu tư.

Đối với nhà lưu trú công nhân, do không còn nguồn vốn kích cầu của TP và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nên không thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia.

TP.HCM đã có chính sách cho vay với các đối tượng thu nhập thấp thông qua Quỹ phát triển nhà ở TP, được vay tối đa 900 triệu đồng với lãi suất ưu 4,7% năm. Tuy nhiên mức vay còn thấp so với giá trị căn nhà và đối tượng vay hạn chế.

Từ những thực tế này, ông Trần Hoàng Quân đề nghị ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án NƠXH.

Đồng thời, đề xuất ban hành quy định hướng dẫn việc xác định, phân bổ và hoàn thành trả các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp các chủ đầu tư bàn giao lại quỹ đất 20% để xây dựng NOXH.

Ông Quân kiến nghị ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở cho thuê nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở.

Giám đốc Sở Xây dựng TP cũng đề xuất Trung ương cho phép UBND TP quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ NƠXH đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha - 10 ha.

Ông cũng kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình được vay theo Nghị quyết 11/2022 của Chính phủ đến hết năm 2025.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm