Tối 24-8 (giờ địa phương), phe nổi dậy Syria tuyên bố đã chiếm được TP Jarabulus và các vùng phụ cận - vốn là căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nhờ có sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Jarabulus là tuyến đường vận chuyển chính của IS.
Nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong ngày thực hiện chiến dịch 24-8 có một tay súng phe nổi dậy thiệt mạng, không có thương vong bên lính Thổ Nhĩ Kỳ.
Sáng 24-8, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch Tấm khiên Euphrates - đưa lực lượng đặc nhiệm, máy bay chiến đấu, xe tăng, xe bọc thép sang Syria với mục tiêu tiêu diệt IS và các tay súng người Kurd ở Syria (PYD).
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng phe nổi dậy tiến về biên giới Syria ngày 24-8. Ảnh: AP
Chỉ có Bộ Ngoại giao Syria lên án Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm chủ quyền Syria, còn với các nước liên quan là một sự thỏa hiệp, theo New York Times.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, việc hỗ trợ phe nổi dậy Syria là cơ hội thể hiện mình có thể là một đối tác hiệu quả trong chống khủng bố, đồng thời tăng an ninh cho vùng đệm ở biên giới với Syria.
Với động thái hỗ trợ chiến dịch Tấm khiên Euphrates của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đang tìm cách cân bằng quan hệ với cả hai đồng minh vốn xem nhau là kẻ thù: Thổ Nhĩ Kỳ và PYD. Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu khăng khăng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức trước khi đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, sau đó Thổ Nhĩ Kỳ đã dịu giọng hơn, đồng ý khả năng ông Assad có vai trò trong quá trình chuyển tiếp chính trị.
Nga - đồng minh chính của chính phủ Syria chỉ ra một tuyên bố lên án chiếu lệ, “quan ngại sâu sắc” chiến dịch Tấm khiên Euphrates của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga không còn định danh phe nổi dậy Syria là “khủng bố” như vẫn thường tuyên bố trước đây, thay vào đó là “các tay súng phe đối lập”.
Theo New York Times, động thái này cho thấy có khả năng Nga và Mỹ sẽ có bước thỏa hiệp về chính trị Syria. Cả hai nước đều để mở khả năng đồng ý để phe nổi dậy chống khủng bố, đổi lại sẽ có vai trò trong chính phủ mới của Syria khi nội chiến kết thúc.
Ông Josh Earnest, người phát ngôn Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhận định chiến dịch Tấm khiên Euphrates của Thổ Nhĩ Kỳ là một bước tiến quan trọng trong chiến dịch chống IS. Trước đó Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố ủng hộ chiến dịch này.
Thời điểm thực hiện chiến dịch Tấm khiên Euphrates trùng với chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Phó Tổng thống Biden là dấu hiệu cho thấy quan hệ hai bên đã bớt căng thẳng.
Trong ngày 24-8, Phó Tổng thống Joe Biden thăm Thổ Nhĩ Kỳ và hội kiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhằm cải thiện quan hệ hai nước sau cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ kỳ ngày 15-7.
Họp báo sau cuộc gặp, ông Biden cho biết các tay súng người Kurd tại Syria - một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống IS sẽ đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ là rút quân về phía đông sông Euphrates ở phía đông bắc Syria.