Ở lĩnh vực y học, giải Ig Nobel được trao cho GS khoa Thần kinh Peter Snyder (Mỹ) và các cộng sự ở Hà Lan, Bỉ, Úc. Họ đã chứng minh cho thấy khi bàng quang căng đến mức cao độ, con người sẽ mất tỉnh táo giống như đang trong trạng thái say rượu nhẹ. Vì vậy khi mắc tiểu, con người sẽ không đưa ra được các quyết định sáng suốt.
GS khoa Tâm thần Makoto Imai của ĐH Y khoa Shiga (Nhật) và các cộng sự được trao giải thưởng Ig Nobel Hóa học. Họ đã đề xuất sản xuất một thiết bị báo động bằng tinh chất cay nồng của cây cải ngựa Nhật Bản dành cho người ngủ quá say trong các trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn.
Thị trưởng TP Vilnius (Lithuania) Arturas Zuokas giật giải Ig Nobel Hòa bình với thông điệp tuyên chiến với nạn đỗ xe trái phép bằng cách tự lái xe bọc thép cán bẹp xe đỗ trái phép. Giải Ig Nobel Tâm lý học được trao cho GS Karl Teigen (Na Uy) với nghiên cứu giải thích rằng con người thở dài là vì thể hiện thái độ buông xuôi, từ bỏ chứ không phải vì buồn rầu.
Hai giáo sư người Canada Darryl Gwynne và David Rentz đoạt giải Ig Nobel Sinh học với một nghiên cứu phát hiện rằng một số bọ cánh cứng đực tìm cách giao phối với một số loại chai bia màu nâu của Úc vì nhầm tưởng đó là… bạn tình.
Giải Ig Nobel Toán học “tôn vinh” các nhà tiên tri Dorothy Martin Pat Robertson, Elizabeth Clare Prophet, Harold Camping (Mỹ), Lee Jang Rim (Hàn Quốc), Credonia Mwerinde (Uganda) về tài tính toán, dự đoán… trật lất ngày tận thế.
LÊ LINH (Theo Implorable, AP)