Thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) TP.HCM cho biết mới đây đã cùng đoàn DN Việt Nam (VN) tham quan, khảo sát nhà máy của một công ty Thái Lan. DN Thái Lan này đang sản xuất phở VN với khối lượng rất lớn để xuất khẩu qua Mỹ và nhiều thị trường khác.
Vì sao một món ăn nổi tiếng mang thương hiệu quốc gia VN lại “được” một quốc gia khác mang ra thế giới thay vì chính người Việt? Xung quanh câu chuyện này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho chính phủ Malaysia, đồng thời là tác giả cuốn sách về nhượng quyền và hơn 20 năm hội nhập thương trường thế giới.
Chúng ta đi sau người Thái
. Phóng viên: Thưa bà, phở được xem là quốc hồn, quốc túy và là thương hiệu quốc gia. Thế nhưng phở của VN lại được DN Thái xuất khẩu rất mạnh ra thế giới. Bà bình luận gì về sự kiện này?
+ Bà Nguyễn Phi Vân: Thế giới vận hành theo kinh tế thị trường. Nghĩa là ai nắm bắt được cơ hội tốt nhất, biết khai thác nguồn lực tốt nhất sẽ thắng trong cuộc đua về kinh doanh. Ai nhanh chân đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thì người đó chiến thắng.
Vì vậy chúng ta không nên chỉ trích khi thấy người Thái Lan khai thác nguồn tài nguyên bản địa của VN, mà trong trường hợp này là phở.
. Phở là của người VN nhưng không do người VN mà là người Thái Lan phát triển thành công. Theo bà, điều này gây thiệt thòi như thế nào cho thương hiệu quốc gia và nền kinh tế VN?
+ Điều này tất nhiên gây thiệt hại rất lớn cho thương hiệu quốc gia và thương hiệu Việt. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là qua đây cũng cho thấy sự thật là người Thái Lan đã nhanh nhạy hơn, làm bài bản hơn và đặc biệt là họ biết cách khai thác nhu cầu thị trường tốt hơn DN VN. Đây là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ.
. Nhiều người thắc mắc vì sao các nhà sản xuất Việt lại bỏ mất một cơ hội làm ăn hấp dẫn như thế? Vì sao người Thái làm được trong khi người Việt lại không làm được như họ?
+ Phở đóng gói của VN hiện nay trên thị trường không thiếu. Hơn nữa có một vài mặt hàng chất lượng rất tốt. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Tại sao những sản phẩm và thương hiệu này không đi xa, không cạnh tranh lại với sự xuất khẩu ồ ạt của hàng Thái đóng mác VN? Đó là vì chúng ta đi sau Thái Lan rất xa về tư duy toàn cầu, về cách tiếp cận thị trường thế giới, về cách xây dựng thị trường bền vững, đủ cam kết và đầu tư dài hạn.
Tôi cho rằng nếu DN Việt cứ làm ăn kiểu sự vụ, mong lời nhanh, bất chấp lời hứa và cam kết với người tiêu dùng thì khó mà sánh vai cũng như cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực. Đó là chưa kể đến các quốc gia đã phát triển.
Một số công ty Việt Nam bắt đầu sản xuất phở bò bán tại Hàn Quốc thông qua hệ thống cửa hàng tiện lợi G25. Ảnh: TÚ UYÊN
Đáng lẽ Việt Nam phải đi tiên phong
. Thưa bà, nhiều ý kiến bình luận rằng đáng lẽ VN phải là nước tiên phong trong việc đưa món phở và nhiều món ăn nổi tiếng của VN ra thế giới?
+ Thực tế cho thấy DN Việt tầm trung hiện nay chỉ có vài đơn vị trong ngành thực phẩm và họ cũng có xuất khẩu đi nước ngoài. Song tôi cho rằng chiến lược phát triển thị trường thế giới của họ còn rất cục bộ, mang tính thời vụ, chưa có chiến lược rõ ràng, hợp lý và lâu dài. Nói cách khác, việc đầu tư phát triển thị trường một cách bền vững và có chiến lược tại VN vẫn chưa được coi trọng.
Về phía DN nhỏ thì nguồn lực quá giới hạn, kiến thức và kỹ năng quản trị giới hạn, không thông hiểu thị trường thế giới. Đây là những hạn chế cơ bản dẫn đến việc khó có thể xuất khẩu sản phẩm và thương hiệu ra nước ngoài.
. Ngoài phở, không ít ý kiến lo ngại bún bò Huế, bánh canh... của VN cũng đang vào tay người ngoài, được xuất khẩu dưới cái tên của một nước khác. Theo bà, DN của ta nên làm gì để thương hiệu Việt của người Việt không mất và xuất khẩu mạnh ra thế giới?
+ Lời khuyên thực tế nhất của tôi cho từng DN là trước hết hãy tự thân vận động bằng những cách hết sức sáng tạo. Ví dụ, trong thế kỷ 21, từ khóa để phát triển là từ collaboration - hợp tác. Điều này có nghĩa là cộng đồng kinh doanh cần phải mở ra, thu hút các nhân tài mà mình cần để phát triển dài hạn và bài bản, bằng cách đưa họ trở thành những cổ đông của mình. Bên cạnh đó, cũng nên mở ra cơ hội cho các DN lớn, nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội mua bán và sáp nhập để thêm nguồn lực về nhiều mặt thúc đẩy phát triển.
Trong hoàn cảnh hiện nay, đó là cách nhanh nhất và chiến lược nhất để tồn tại và phát triển trong tương lai, tạo cơ hội cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực.
. Xin cám ơn bà.
Phở Việt do Thái Lan sản xuất đang bán rất chạy ở Mỹ Khi nhắc đến phở, ai cũng biết đây là món ăn truyền thống và được ví như quốc hồn, quốc túy của VN. Phở còn được bình chọn là một trong 10 món ăn được yêu thích nhất trên thế giới. Thế nhưng mới đây, tại buổi gặp gỡ với đoàn DN VN do Hội DN hàng VN chất lượng cao dẫn đầu, lãnh đạo Công ty Charoen Pokphan Foods Plc (CPF, Thái Lan) tiết lộ: Phở VN đang là một trong những sản phẩm bán chạy nhất của CPF tại Mỹ, nơi các sản phẩm thực phẩm tươi ăn liền đóng gói rất được ưa chuộng. Đặc biệt, nhu cầu của món phở tại Mỹ ngày càng lớn. Viện nghiên cứu nhập cư Mỹ cho hay tính đến năm 2014, có 8.900 cửa hàng phở VN tại Mỹ và con số này vẫn tăng. CPF cho biết thêm, ban đầu chỉ dự tính mở một văn phòng thương mại nhưng sau đó đã quyết định xây dựng hẳn nhà máy tại Mỹ với sản lượng hai triệu sản phẩm mỗi ngày, phân phối trong các siêu thị, kênh bán lẻ lớn như Walmart, Costco, Kroger, Amazon... Điều khiến các DN Việt ngạc nhiên hơn là nhà máy của CPF tại Thái Lan, nơi sản xuất món phở, có công suất 200.000 sản phẩm mỗi ngày nhưng chỉ chưa đầy 10 công nhân. Phía đơn vị này tuyên bố đây có thể coi là một nhà máy 4.0 và đang tiếp tục được nâng cấp để tự động hóa hoàn toàn. Hiện nay, một số dây chuyền đã được tự động hóa và chỉ cần hai công nhân điều khiển bằng máy tính. 10 năm vẫn chưa nhúc nhích Tôi từng nói cách đây hơn 10 năm rằng vấn đề thương hiệu quốc gia và sự hỗ trợ DN cần mang tính chiến lược để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế. Tôi liên tục nhắc đến vấn đề này trong tất cả bài phát biểu của mình tại các diễn đàn. Đáng tiếc, tôi chưa nhìn thấy bất kỳ động thái tích cực và chiến lược nào từ phía cơ quan chức năng hay các hiệp hội VN để hỗ trợ DN một cách có hệ thống. Bà NGUYỄN PHI VÂN, |