Phía sau việc ‘thái tử’ Samsung đến Việt Nam

Ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung (còn gọi là thái tử Samsung, người giàu thứ ba Hàn Quốc với khối tài sản 6,8 tỉ USD), vừa thăm Việt Nam (VN) và các cơ sở sản xuất, cùng với đó là những cam kết mạnh mẽ về đầu tư.

Điều này cho thấy VN đang là cứ điểm sản xuất quan trọng với hãng điện tử lớn nhất thế giới và tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại VN.

Ông lớn bám rễ tại Việt Nam

Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 20-10, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong đã bày tỏ lòng cám ơn với Chính phủ VN đã tạo điều kiện cho các chuyên gia Samsung vào VN vận hành nhà máy trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. “Nếu nhà máy ở VN không hoạt động sẽ làm đứt gãy chuỗi sản xuất của Samsung trên toàn cầu” - ông Lee Jae Yong nhấn mạnh.

Rõ ràng VN đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Samsung, nhờ đó những chiếc điện thoại Samsung mới nhất đã xuất hiện trên toàn cầu đúng thời điểm. Hiện sản lượng điện thoại sản xuất tại VN chiếm 50% sản lượng trên toàn thế giới của đại gia này.

Trước chuyến đi của thái tử Samsung đã có thời điểm dấy lên những lời đồn đoán Samsung sẽ chuyển một phần nhà máy sản xuất điện thoại sang Ấn Độ. Tuy nhiên, lãnh đạo Samsung đã bác bỏ tin đồn nói trên. Thực tế Samsung đang có những động thái ngược lại khi gia tăng đầu tư vào thị trường VN. Nhiều lĩnh vực như sản xuất máy tính, tivi đã được Samsung chuyển từ Trung Quốc sang VN.

Trong chuyến thăm VN lần này, ông Lee Jae Yong cũng khẳng định sẽ đưa vào vận hành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội vào cuối năm 2022, đúng như đã cam kết. Khi đó, trung tâm này có hơn 3.000 kỹ sư làm việc, trở thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chính của Samsung.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN (KORCHAM), cho biết cộng đồng đầu tư nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc luôn đánh giá cao việc cải thiện và cải cách môi trường đầu tư của VN, đặc biệt tạo niềm tin cho cộng đồng đầu tư về khả năng chống dịch. Từ đó đã củng cố niềm tin về VN là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Samsung, ngày 20-10. Ảnh: VGP

Hiện Samsung có ba khu tổ hợp công nghệ cao tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM với tổng vốn đầu tư lên tới trên 17,3 tỉ USD. Các khu tổ hợp này đã biến VN trở thành cứ điểm sản xuất thiết bị di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu.

Đáng chú ý, sự có mặt của Samsung còn là lực kéo các nhà đầu tư khác đến VN. Chẳng hạn vào đầu tháng 10 vừa qua, hai công ty là KMW và Ace Technologies, đại gia sản xuất các thiết bị viễn thông hàng đầu của Hàn Quốc, đã chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc về VN. Một phần họ cũng là nhà cung ứng cho Samsung VN, mặt khác VN hấp dẫn do có chi phí nhân công giá rẻ hơn Trung Quốc.

“Các công ty nước ngoài hoạt động thành công tại VN là một thông điệp đầy mạnh mẽ hấp dẫn với giới đầu tư nước ngoài. Nó cho thấy VN đang có một môi trường đầu tư đầy hấp dẫn và là chìa khóa đi đến thành công” - ông Hong Sun nêu quan điểm.

Việt Nam tạo điều kiện cho Samsung đầu tư công nghệ cao

Chiều 20-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, nhà đầu tư hàng đầu tại VN. Thủ tướng mong muốn thời gian tới Samsung sẽ đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn, góp phần khép kín “chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử” của tập đoàn tại VN.

Thủ tướng đề nghị Samsung tiếp tục giúp các doanh nghiệp hỗ trợ VN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của tập đoàn và các hoạt động nghiên cứu, phát triển tại VN.

Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đã có nghị quyết cho phép Công ty Samsung tại TP.HCM được chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất trong Khu công nghệ cao TP.HCM (theo đề nghị của UBND TP.HCM). Từ đó tạo điều kiện cho công ty mở rộng quy mô tại VN, tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Được biết, tập đoàn đang lựa chọn địa điểm đầu tư dự án công nghệ cao, Thủ tướng khẳng định VN sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Samsung để đầu tư dự án này. 

Bắt tay với ông lớn

Sự có mặt của Samsung đang tạo tác động lan tỏa đầy tích cực cho VN từ tạo ra công ăn việc làm, tăng trưởng xuất khẩu cho đến đưa các doanh nghiệp nội vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáng chú ý, Samsung không chỉ đầu tư vào mảng chế tạo mà cả lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, hợp tác với doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực phát triển phần mềm.

Chẳng hạn, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhờ một phần vào việc Samsung đẩy mạnh xuất khẩu dòng sản phẩm mới Samsung Note 20, dẫn đến mức thặng dư thương mại đạt 3,5 tỉ USD. Lũy kế thặng dư thương mại tám tháng đầu năm nay đạt mức cao kỷ lục 11,9 tỉ USD so với 5,5 tỉ USD của cùng kỳ.

Với việc Samsung đặt cứ điểm sản xuất hàng điện tử lớn nhất tại VN cũng đồng thời kéo theo lượng nhà cung ứng khổng lồ cho hãng này. Đặc biệt, bên cạnh các công ty cung ứng Hàn Quốc còn có nhiều công ty Việt đã hưởng lợi từ đây.

Ông Phạm Cao Vinh, Tổng giám đốc Công ty Goldsun, nhà cung ứng cấp 1 của Samsung, cho biết công ty đạt doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm thì một nửa đến từ Samsung.

Samsung đã hỗ trợ rất nhiều cho công ty nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Ví dụ, có thời điểm Goldsun gặp nhiều vấn đề liên quan đến lỗi sản phẩm, không kiểm soát được hao phí các công đoạn sản xuất, tồn kho nhiều và lãng phí nhân lực. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Samsung, Goldsun đã tìm ra nguyên nhân, xây dựng lại quy trình hoạt động. Từ đó giúp công ty giảm lỗi sản phẩm, tồn kho ở mức tối thiểu, tăng năng suất lao động.

Tương tự, Công ty Phước Thành được Samsung chọn là nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ cấp 1 cũng đã gia tăng doanh thu và cải thiện được năng lực sản xuất.

Kỹ sư Việt không thua kém ai nhưng…

TS Bùi Thanh Luân, giảng viên ĐH Công nghệ TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, nhận định: Các doanh nghiệp Việt có thể nắm bắt cơ hội từ việc tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Về năng lực hay trình độ chuyên môn, kỹ sư Việt không thua kém ai nhưng mình lại đi sau họ về kỷ luật, sự nguyên tắc và tuân thủ.


Một khu lắp ráp điện thoại Samsung tại nhà máy Việt Nam.

“Đúng là hiện nay các công ty nội chưa thể cung cấp hầu hết nguyên liệu đầu vào có giá trị cao mà các tập đoàn đầu tư nước ngoài yêu cầu để sản xuất sản phẩm. Tuy nhiên, tình hình này có thể sẽ thay đổi đáng kể trong thời gian tới, vì đầu tư nước ngoài sẽ đóng vai trò tích cực hơn nhiều trong việc phát triển các doanh nghiệp nội địa, nhất là trong bối cảnh họ muốn đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào mỗi Trung Quốc” - ông Luân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới