Phim 'Đi giữa trời rực rỡ' bị phản ứng vì sai lệch đời sống người Dao

(PLO)- Đi giữa trời rực rỡ, một bộ phim về người miền núi được cho là có trang phục không đúng với người Dao; nhiều cảnh quay trong phim phản ánh không đúng hiện thực. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ phim Đi giữa trời rực rỡ của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn đang chiếu trên VTV đang bị một số khán giả và chuyên gia phản ánh về lỗi sai trang phục, nghi thức của người Dao đỏ xuất hiện trong các cảnh phim.

Cụ thể, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, Ủy viên Ban thường vụ Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng Ban đại diện nhóm Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc, là người Dao quê ở Nguyên Bình (Cao Bằng) - nơi diễn ra bối cảnh quay chính của bộ phim, cho biết phim có nhiều "hạt sạn", hình ảnh chưa đúng với lối sống và sinh hoạt của người đồng bào.

Anh cũng bày tỏ sự không hài lòng khi nhiều đơn vị sản xuất không tìm hiểu kỹ về tập tục, trang phục của người dân tộc trước khi sản xuất phim, tổ chức sự kiện... Điều này gây ra nhiều sai lệch trong hiểu biết và ấn tượng về cuộc sống, phong tục của người dân tộc đối với người xem.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cũng cho rằng việc tìm hiểu kỹ về một cộng đồng người dân tộc trước khi sản xuất các nội dung liên quan đến họ là sự tôn trọng dành cho cộng đồng đó. Ông Năng cũng đã lên tiếng, bình luận góp ý tại trang VTV Giải trí.

Đi giữa trời rực rỡ
Hình ảnh trong phim "Đi giữa trời rực rỡ". Ảnh: VTV.

“Sau góp ý, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn đã chủ động liên hệ cho tôi và hẹn gặp. Tôi rất cởi mở và cho đạo diễn gặp tại nhà riêng. Cuộc trao đổi diễn ra kéo dài khoảng 120 phút. Đạo diễn Sơn bày tỏ bản thân đã nhận ra một vài điểm sai trong phim, nhưng vẫn cố gắng biện minh rằng mình chủ ý cho nam diễn viên đeo chiếc yếm nữ của mẹ vì nhớ mẹ” - ông Năng kể.

Tại cuộc trao đổi, ông Năng nói rõ: "Văn hoá người Dao có những cấm kị, cần phải được tôn trọng".

Trao đổi với PLO, một độc giả ở miền núi cũng bày tỏ bức xúc với những tình huống, hình ảnh trong phim: "Tôi thấy ở thời này rồi mà làm phim về đề tài miền núi mà cứ toàn một ông nát rượu, tảo hôn, ép cưới… Kiểu xưa giờ họ mặc định cứ miền núi là có bắt vợ. Thành ra trong phim có một cảnh, dù không bắt vợ, mà là bố đưa đi, nhưng ép con ngồi giữa rồi chở đi như bắt vợ”.

Bà Ma Thị Luyến, một người Dao cũng bày tỏ bà không thích những hình ảnh dân tộc thiểu số hay hình ảnh người miền núi bị đưa lên phim vì thường có nhiều sai lệch, áp đặt văn hoá.

Bà Luyến cho rằng phim Đi giữa trời rực rỡ chiếu hình ảnh nhân vật nữ mặc lễ phục người Dao đỏ (tương tự áo dài lễ phục của người Kinh) đi chăn trâu. Nhân vật Chải được đeo yếm nữ nhảy múa. Điều này người Dao cấm kỵ lắm, nó tương tự một nhân vật nam người Kinh mặc áo ngực của phụ nữ để ra đường ấy.

"Hình ảnh người nữ đứng trước bàn thờ thắp hương cũng là điều cấm kị. Bản thân người Dao cũng như nhiều dân tộc khác, có sự phân biệt rành mạch giữa thường phục, lễ phục… chứ không bao giờ tuỳ tiện sử dụng lễ phục trong lao động và thường phục trong các kì lễ hội” - bà Luyến nói.

Từ đó bà Luyến bày tỏ cần có sự tham gia của các chuyên gia về dân tộc để văn hoá dân tộc thiểu số được truyền tải không chỉ đẹp mà đúng, để cộng đồng chủ thể văn hoá nhận ra mình, nhận là của mình mà quan tâm tới sản phẩm đó.

Chúng tôi đã liên hệ nhiều lần với đạo diễn Đỗ Thanh Sơn nhưng không liên lạc được. PLO sẽ chuyển đến độc giả ý kiến của đạo diễn ngay sau khi nhận được phản hồi.

Phim Đi giữa trời rực rỡ kể về Pu, cô gái trẻ người Dao mang trong mình nhiều ước mơ và hoài bão. Cô là niềm tự hào của bản làng khi trúng tuyển đại học ở thành phố. Nhưng con đường vượt đồi đi học của cô sơn nữ lại bị chặn đứng bởi cuộc hôn nhân gia đình sắp đặt vì nợ nần. Hoảng loạn và bế tắc, Pu bỏ chạy giữa đêm. Cũng từ đây, hành trình mới đầy gian nan của cô gái trẻ bắt đầu.

Phim có sự góp mặt của NSƯT Hoàng Hải và dàn diễn viên trẻ như: Long Vũ, Vương Anh, Võ Hoài Vũ, Hoàng Khánh Ly, Yên Đan, Quỳnh Châu...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm