Phim tài liệu 'Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp': Nhiều thông tin chưa từng tiết lộ

(PLO)- Bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp sẽ cung cấp những thông tin đắt giá, chưa từng được tiết lộ tới khán giả về Chiến thắng Điện Biên Phủ. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vào lúc 20 giờ 05 ngày 7-5 trên kênh VTV1 và VTV4 sẽ phát sóng bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp. Đây là một bộ phim tài liệu giá trị, không chỉ dành cho người quan tâm đến lịch sử mà còn dành cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Những thông tin đắt giá, chưa từng được tiết lộ

Chia sẻ về bộ phim, nhà báo Trần Thu Hà, Phó trưởng Ban Truyền hình đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết để có Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp, ê kíp sản xuất phải mất hơn bốn tháng.

Trước đó, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam – nhà báo Trần Đức Hoàng đã yêu cầu làm chương trình VTV đặc biệt về Điện Biên Phủ với góc nhìn mới, hấp dẫn, chưa từng ai nói tới.

Điện Biên Phủ
Nhóm sản xuất chương trình tiếp cận với các tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ tại Trung tâm lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp. Ảnh: VTV.

Để thực hiện yêu cầu này, ê kíp đã quyết định tìm hiểu kho lưu trữ tư liệu ở Pháp và phỏng vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử uy tín, các cựu chiến binh Pháp để xem phía Pháp đã làm những gì ở trận Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, việc này không đơn giản.

Sau hơn một tháng làm các thủ tục và hối thúc liên tục, ê kíp được Bộ Quốc phòng Pháp cho tiếp cận kho lưu trữ của họ. Thời gian quá gấp, khối lượng quá lớn, nhóm thực hiện chỉ kịp chụp ảnh, mang về Việt Nam ngồi đọc và phân tích.

Đây là khối tư liệu lớn bằng tiếng Pháp, nhiều thuật ngữ quân sự nên khá vất vả… Đổi lại, khán giả sẽ có một phim tài liệu đặc biệt, có những thông tin đắt giá, chưa từng được tiết lộ tới khán giả về Chiến thắng Điện Biên Phủ với nhiều thông điệp đặc biệt về Điện Biên Phủ.

Trong bộ phim sẽ có nhiều tư liệu chi tiết cho thấy Pháp đã triển khai như thế nào về không quân, về bộ binh hay toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các thông tin này được đưa ra một cách khách quan, chủ yếu dựa vào lực lượng lớn là các chuyên gia sử học, chuyên gia nghiên cứu và những người đam mê lịch sử của Pháp, không đơn thuần là chúng ta nói về chúng ta.

Đây là các tư liệu quý giá trong hồ sơ tư liệu gốc về Điện Biên Phủ được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp, Quốc hội Pháp.

Khối hồ sơ tư liệu khổng lồ, thông tin một cách chi tiết, về từng ngày, từng giờ, từng chỉ đạo của tướng Nava và các tướng lĩnh khác của Pháp về Điện Biên Phủ. Nhiều tư liệu mới được giải mật, chưa từng công bố hoặc ít người biết đến.

Bộ phim còn đề cập, phân tích sâu về những xung đột nội bộ trong chính giới chính trị gia và dư luận Pháp thời điểm 1953 – 1954 cũng như các tướng lĩnh Pháp tham gia chiến tranh Đông Dương, đặc biệt là tướng lĩnh Pháp trực tiếp thực hiện các chiến dịch quân sự của Pháp tại Điện Biên Phủ, như tướng René Cogny và De Castries.

Ở phía Việt Nam, bộ phim sẽ đưa vào những chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Luôn luôn có Việt Nam ở trong tim

Ê kíp làm phim cũng cho biết khi truy cập vào kho dữ liệu của Bộ Quốc phòng và Quốc hội Pháp, họ nhận thấy có những văn bản, tài liệu tối mật, ghi lại thừa nhận của một số tướng lĩnh Pháp về một số nguyên nhân chỉ ra chi tiết vì sao quân đội Pháp lại thất bại tại Điện Biên Phủ.

Nhiều tư liệu còn cho thấy, Điện Biên Phủ chưa thực sự kết thúc vào ngày 7-5-1954 mà còn nhiều dư âm trong quân đội Pháp sau đó. Cụ thể, sau khi Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ, quân đội Pháp yêu cầu Ủy ban điều tra quân sự phải mở một cuộc điều tra.

Dưới sức ép của tướng Nava, toàn bộ các tướng lĩnh tham gia Điện Biên Phủ phải tham gia cuộc điều trần này. Cuộc điều trần diễn ra trong vòng 8 tháng. Có nhiều tư liệu độc đáo từ các tướng lĩnh Pháp trong cuộc điều trần này sẽ được đưa ra trong bộ phim.

Đặc biệt, bộ phim khai thác được nhiều tư liệu của tình báo Pháp. Nhiều tư liệu cho thấy tại Điện Biên Phủ, Pháp dựa khá nhiều vào trinh sát Không quân. Mỗi ngày, Không quân tình báo của Pháp từng thực hiện 2-3 chuyến bay đến vùng chảo Điện Biên.

iet-lo-nhieu-thong-tin-dat-gia-giai-mat-tai-lieu-o-nuoc-phap-trong-dien-bien-phu-nhin-tu-nuoc-phap-2.jpg
Bộ phim khai thác được nhiều tư liệu của tình báo Pháp. Ảnh: VTV.

Họ đã chụp hơn 10.000 bức ảnh về toàn bộ mặt bằng của lòng chảo Điện Biên. Kho tư liệu ảnh này cho thấy chúng ta đào hào đến đâu, họ biết được đến đấy. Một số tư liệu cho thấy phía Pháp đã phát hiện ra chúng ta giấu pháo và họ thừa nhận là Việt Nam giấu pháo rất giỏi, rất khéo. Họ không xác định được ở đâu và không thể phá hầm pháo. Đây là những tư liệu mà những người làm phim vô cùng bất ngờ.

Trong một chia sẻ của tướng Nava mà ê kíp được đọc trực tiếp là ông thừa nhận Việt Minh có một lòng tin, sự quyết tâm ghê gớm, sự năng động mạnh mẽ và một sự thống nhất hành động hoàn toàn dưới sự chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo chiến dịch.

“Việt Minh có một lòng tin, sự quyết tâm ghê gớm, sự năng động mạnh mẽ và một sự thống nhất hành động hoàn toàn giữa chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo chiến dịch. Chúng tôi đã đánh giá thấp Việt Minh, cả chính trị và quân sự.

Uy tín và ảnh hưởng của họ đối với dân chúng, tinh thần, tính năng động, trình độ quân sự của các cấp chỉ huy, tất cả họ đều luôn cao hơn so với những gì chúng ta nghĩ” - đánh giá của tướng Navarre.

Phía Pháp đã đánh giá thấp Việt Minh cả về chính trị lẫn quân sự. Uy tín, ảnh hưởng của Việt Minh rất lớn đối với dân chúng.

“Tinh thần, tính năng động và trình độ quân sự của các cấp chỉ huy của họ luôn cao hơn so với những gì chúng ta nghĩ” - tướng Nava viết.

Trong bộ phim có khá nhiều thông tin đặc biệt và xúc động về Điện Biên Phủ, về Việt Nam, qua những chia sẻ của các cựu chiến binh Pháp từng tham chiến ở Đông Dương, trong đó có Điện Biên Phủ.

Trong đó, ông Pierre Flamen, đến Việt Nam từ cuối năm 1948, được phân công đến vùng Tây Bắc và chỉ huy một phân đội lính bản xứ, thuộc tiểu đoàn lính Thái số 1.

Nhiệm vụ của ông là thu thập các thông tin tình báo về Việt Minh. Nhiều năm sau cuộc chiến, những kỷ niệm về chiến trường năm xưa vẫn rõ nét trong tâm trí ông, đặc biệt là câu chuyện ông bốn lần bị quân đội Việt Minh bắt và ba lần trốn thoát, hay những lần được tiếp xúc với những người lính Việt Nam mà ông gọi thân thương bằng hai từ tiếng Việt là “bộ đội”.

tiet-lo-nhieu-thong-tin-dat-gia-giai-mat-tai-lieu-o-nuoc-phap-trong-dien-bien-phu-nhin-tu-nuoc-phap.jpg
Cựu chiến binh tại Điện Biên Phủ Pierre Flamen. Ảnh: VTV.

Dù chưa một lần trở lại Việt Nam, nhưng ông còn nhớ như in cuộc gặp ấm áp với những người Việt Nam, nhớ cả những nắm xôi lạc mà người dân đã nấu cho ông, hay nhớ cả lần được họ cứu khỏi trận sốt rét nặng.

Pierre không khỏi xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm ấy: “Anh ấy (một người dân địa phương) đưa tôi về làng. Những người phụ nữ ở đó đã đón tiếp tôi thật tuyệt vời. Họ không coi tôi là kẻ thù mà đón tôi như một đứa con đi xa trở về”.

Ê kíp làm phim rất bất ngờ khi tiếp cận những cựu chiến binh này. Có những người chưa từng trở lại Việt Nam nhưng trong tâm trí của họ luôn luôn có từ Việt Nam ở trong tim.

Giới thiệu về VTV Đặc biệt: 'Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp'. Nguồn: VTV4.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm