Bị cáo Phan Thị Thủy bị xét xử về một tội ít gặp là tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Tình huống mà bị cáo này vi phạm pháp luật hình sự cũng ít ai ngờ tới.
Bị tội vì mua rắn về… ngâm rượu
Theo đó, trưa 26-1-2018, bị cáo Thủy đã mua của hai người đàn ông (chưa xác định lai lịch) một con rắn hổ mang trọng lượng 1,3 kg về ngâm rượu với giá 600.000 đồng. Tại kết luận giám định của Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xác định vật chứng có tên gọi là rắn hổ chúa, thuộc danh mục loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Với hành vi này, Thủy bị TAND TP.HCM xử phạt một năm tù cho hưởng án treo.
Theo thẩm phán Kiệt, về mặt ý thức chủ quan của bị cáo Thủy mua con rắn hổ mang mục đích để ngâm rượu và không biết đó là động vật quý hiếm cấm mua bán. Nhưng hành vi của bị cáo đã vi phạm pháp luật hình sự, pháp luật bắt buộc người phạm tội phải biết đó là động vật quý hiếm, không nên mua bán, kinh doanh. Bài học rút ra trong mọi trường hợp chúng ta không nên mua bán, tiêu thụ các loài động vật quý hiếm vì nếu không cẩn thận vô tình sẽ trở thành tội phạm.
Thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt. Ảnh: YẾN CHÂU
Bài học cho nhân viên ngân hàng và khách hàng
Một vụ án khác mà quá trình TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm các bị cáo đã khóc nức nở vì tiếc cho những việc làm thiếu suy nghĩ của mình. Hồ Ngọc Thủy và đồng phạm bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Vụ án xảy ra tại phòng giao dịch của Ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP.HCM, do Lê Nguyễn Hưng, phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM, lợi dụng chức vụ dùng thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt của ngân hàng hơn 264 tỉ đồng (Hưng bỏ trốn nên bị cơ quan CSĐT truy nã).
Riêng đối với các bị cáo Hồ Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Cao Lan Phương và Lương Quốc Anh là các nhân viên. Ở các vị trí công việc khác nhau, do quá tin tưởng Hưng là người quản lý trực tiếp nên các bị cáo đã thực hiện không đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy chế của Eximbank. Các bị cáo đã lập giấy ủy quyền khống, viết nội dung giả mạo giấy ủy quyền, lập chứng từ cho khách hàng rút tiền trong các tài khoản tiết kiệm, lập các lệnh chi giả, ký tên vào mục chủ tài khoản rút tiền. Hậu quả là đã giúp sức cho Hưng chiếm đoạt của Eximbank hơn 239 tỉ đồng.
Theo thẩm phán Kiệt, vụ án trên được xem là bài học lớn cho các giao dịch viên ngân hàng (giống bị cáo) cũng như khách hàng VIP (giống người bị hại). Thứ nhất, dù là khách hàng VIP hay thân quen với ngân hàng cũng không nên ký ủy quyền để làm bất cứ việc gì. Nếu đã ký ủy quyền thì khi lãnh hoặc rút tiền phải có mặt tại ngân hàng mới bảo đảm được tài sản của mình. Thứ hai, đối với các nhân viên ngân hàng dù có là khách hàng VIP cũng phải thực hiện theo đúng quy định của ngân hàng, không cả nể cấp trên vì có thể vì thế mà cả sếp và mình sẽ vướng lao lý. Trong trường hợp này, nếu cấp phó sai có thể báo cáo lên thủ trưởng hoặc phản ánh lên lãnh đạo cao hơn để tự bảo vệ mình hoặc có thể đấu tranh kịch liệt bằng cách xin nghỉ.
Nhờ người hù dọa đòi nợ và hậu quả Vụ án Chu Thiết Thực và đồng phạm bị TAND TP.HCM xét xử về tội cưỡng đoạt tài sản là dẫn chứng cho việc đòi nợ không theo quy định của pháp luật dẫn đến tù tội. Cụ thể, Thực và Nguyễn Bá Trác quen biết nhau nên Thực kể cho Trác nghe việc anh Hải thiếu nợ mình 239 triệu đồng. Thực kêu Trác và Phong (bạn của Trác) đòi nợ giúp và hứa sẽ chia 50% số tiền đòi được. Sau đó nhóm của Trác đã gặp, dọa nếu anh Hải không trả tiền thì cả gia đình sẽ bị xử và đưa anh Hải vào bệnh viện cắt thận bán để trừ nợ. Trong lúc anh Hải đưa tiền trả nợ thì cả nhóm bị công an bắt giữ. Theo thẩm phán Kiệt, thực tế anh Hải có nợ tiền bị cáo nhưng Thực đã đòi nợ không theo quy định của pháp luật, đã thuê người hù dọa để đòi tiền dẫn đến phạm tội. Đây là một bài học sâu sắc về việc cho vay (mượn) tiền và đòi tiền. Phương pháp tối ưu nhất là nhờ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thông qua việc khởi kiện dân sự để đòi tiền, tài sản tại TAND các cấp. |