Ngày 2-11, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND và Chỉ thị số 04/CT-UBND của UBND TP và quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy về tăng cường công tác PCCC và CNCH trên địa bàn TP.
Hội nghị do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu chủ trì.
80 người tử vong do cháy
Hội nghị được tổ chức tại hội trường Công an TP.HCM với sự chủ trì của ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; tham dự có Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) và lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Các quận huyện và TP Thủ Đức tham dự trực tuyến.
Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng PC07, trong 5 năm qua, TP xảy ra hơn 1500 vụ cháy, làm 80 người tử vong, bị thương 171 người, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền hơn 85 tỉ đồng.
Công an TP đã tổng kiểm tra rà soát các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH đối với nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê để ở có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.
Về kết quả thực hiện Chỉ thị số 12, Trưởng Phòng PC07 cho biết tính đến ngày 30-10, trên địa bàn đã lựa chọn, xây dựng hoàn thành, đưa vào hoạt động 3.226 tổ liên gia an toàn về PCCC và 3.325 điểm chữa cháy công cộng.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm cũng cho biết qua kiểm tra, đánh giá, tổng số nhà chung cư là 1.049 cơ sở, trong đó có 531 nhà chung cư còn tồn tại một số vi phạm như: Không đảm bảo về giao thông phục vụ chữa cháy; Không đảm bảo giải pháp ngăn cháy, điều kiện thoát nạn; Hệ thống PCCC không hoạt động hoặc hoạt động không đảm bảo...
“Chung cư vi phạm các quy định PCCC&CNCH là chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động là 24 cơ sở, trong đó cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các bộ phận hoặc toàn bộ nhà chung cư là 14 cơ sở” - ông Tâm thông tin.
Trong quá trình tăng cường công tác PCCC và CNCH, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác kiểm tra an toàn PCCC, ý thức chấp hành quy định pháp luật về PCCC,... vẫn còn những khó khăn.
Một số hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh có mặt bằng nhỏ hẹp, thường sử dụng ki ốt cho thuê hoặc nhà ống đã xây dựng từ nhiều năm trước để hoạt động, việc kiến nghị mở thêm lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp không thể thực hiện do không còn không gian để mở lối thoát nạn thứ hai, hoặc không thể trổ mái, qua ban công, lô gia để qua nhà bên cạnh an toàn.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương
Một trong các tồn tại được lãnh đạo Phòng PC07 nhắc đến là công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính phần lớn còn chưa cương quyết, mức phạt thấp chưa đủ sức răn đe.
Đặc biệt, trong quá trình sử dụng, người dân tự ý cơi nới, cải tạo không đảm bảo theo giấy phép xây dựng và ảnh hưởng các điều kiện an toàn PCCC.
Đáng lưu ý, ông Tâm cũng cho biết “Tại một số đơn vị có nhiều xe chữa cháy nhưng do hư hỏng nên chỉ đưa vào thường trực được một đến hai xe chữa cháy”.
Các đơn vị phụ trách tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, như: chung cư, nhà cao tầng, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, karaoke, vũ trường, quán bar... Địa phương nào để cơ sở không đủ điều kiện an toàn PCCC và CNCH hoạt động thì phải chịu trách nhiệm
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu, các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị… ở địa phương phải quyết liệt trong đảm bảo an toàn về PCCC&CNCH. Nơi nào thực hiện quyết liệt thì nơi đó công tác PCCC có hiệu quả, số vụ cháy nổ giảm.
Ông yêu cầu các cơ quan, đơn vị sơ kết, tổng kết các mô hình hay để từ đó nhân rộng phát triển. Đặc biệt, ông lưu ý các vụ cháy nhỏ mà lực lượng tại chỗ nhanh chóng xử lý kịp thời ngay từ đầu.
“Những nơi mà lực lượng tại chỗ giải quyết tốt, hậu cần tốt… cần phải tổng kết để thấy được điểm nào tốt, hiệu quả, chưa tốt chưa hiệu quả thì điều chỉnh lại” - ông Châu nói.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ 530 vụ cháy chưa rõ nguyên nhân. “Cần khẩn trương phối hợp điều tra, làm rõ nguyên nhân thì mới phòng ngừa, tổ chức thực hiện PCCC hiệu quả trong thời gian tới” - ông nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP đề nghị chú trọng lực lượng bảo vệ trị an ở cơ sở, đó là công an xã, dân phòng, bảo vệ dân phố là lực lượng tại chỗ rất quan trọng khi xảy ra cháy nổ. Đồng thời, chú trọng phát triển những lực lượng này về công tác PCCC, tăng cường diễn tập ở cơ sở và để lực lượng này tham gia. Nếu xảy ra sự cố thì lực lượng tại chỗ sẽ giải quyết nhanh chóng.
Ông Châu cũng yêu cầu Công an TP và các sở ngành cần chú trọng thanh tra, kiểm tra… phát hiện xử lý các sai phạm, vi phạm về PCCC và xử lý nghiêm, dứt điểm.
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết cần có những quy chuẩn đặc thù về PCCC ở TP nên Công an TP cần kiến nghị Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ sớm đưa vào áp dụng thực tiễn.
Ông Châu tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt, đầy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, toàn xã hội thì các vụ cháy sẽ giảm kể cả về số vụ và thiệt hại.
“Đặc biệt lưu ý là loại hình nhà ngăn phòng, căn hộ cho thuê (hay còn gọi là chung cư mini)… Cần kiểm tra, xử lý nhanh chóng các vi phạm, tránh để mất bò mới lo làm chuồng” - ông Châu nhấn mạnh.
Phê bình nhiều lãnh đạo vắng họp
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu nhắc nhở một số lãnh đạo UBND quận, huyện, TP trên địa bàn vắng họp.
“Nhiều đơn vị vắng họp ngày hôm nay. Tất cả cái này bắt đầu từ nhận thức. Nếu nhận thức không thông thì tổ chức thực hiện sẽ rất nhiều trở ngại. Tôi đề nghị ghi lại toàn bộ các đơn vị, đặc biệt là lãnh đạo của UBND, sở, ngành vắng mặt hôm nay, cần có văn bản phê bình, chấn chỉnh” - ông Châu nói.