Sau khi công bố điểm thi, Bộ GD&ĐT đồng thời công bố phổ điểm chín môn thi tốt nghiệp. Theo đó, điểm thi môn tiếng Anh tiếp tục “đội sổ” khi có điểm trung bình môn thấp nhất và điểm liệt cao nhất trong chín môn thi.
Gần 45% điểm tiếng Anh dưới trung bình
Môn tiếng Anh có điểm trung bình 5,45; điểm có nhiều thí sinh (TS) đạt nhất là 4,2. Hơn 392.000 TS đạt điểm dưới trung bình (44,8%).
So với tám môn còn lại, đây là môn duy nhất có điểm trung bình dưới 6. Các môn còn lại đều có điểm trung bình trên 6. Đặc biệt, môn giáo dục công dân với 8,29 điểm.
Trong khi đó, số điểm liệt môn tiếng Anh cao nhất trong tất cả môn thi tốt nghiệp với 192 bài. Tiếp đến là môn toán với 123 bài, môn địa với 112 bài, môn văn với 92 bài. Các môn còn lại, số bài thi bị điểm liệt khá ít chỉ ở con số hàng chục.
Thí sinh tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: NVCC |
Điểm trung bình môn tiếng Anh từ năm 2016 đến nay rất thấp, dưới mức 6 điểm. Thấp nhất năm 2016 với 3,22 điểm; cao nhất năm 2021 với 5,84 điểm. So với những năm trước, điểm tiếng Anh có sự cải thiện nhưng không đáng kể. Điểm liệt môn này từ năm 2016 đến nay có giảm nhưng vẫn cao.
Trong khi đó, môn sử có sự cải thiện với điểm trung bình là 6,03; điểm có nhiều TS đạt nhất là 5,75. Số TS có điểm <= 1 là 38. Chỉ có gần 171.000 TS đạt điểm dưới trung bình (24,91%).
Môn giáo dục công dân lại có “mưa” điểm 10. Môn này có điểm trung bình là 8,29; điểm có nhiều TS đạt nhất là 9. Số TS có điểm <= 1 là 26. Chỉ có hơn 5.000 TS đạt điểm dưới trung bình (0,97%).
Đây cũng là môn có điểm 10 tăng đột biến với 14.693 điểm trong tổng số 16.366 điểm 10 của tất cả môn. Năm 2022 chỉ có 2.836 điểm 10 nhưng năm 2023 số điểm 10 môn này gấp năm lần.
Phân tích từng vùng, từng trường
Theo ThS Đặng Thanh Huân, giáo viên (GV) tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, phổ điểm môn tiếng Anh đã cho thấy sự mất cân đối rõ nét về chất lượng giảng dạy tiếng Anh giữa thành thị và nông thôn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, môn giáo dục công dân lại có “mưa” điểm 10. Đồ họa: NGUYỄN QUYÊN |
Ở thành thị, học sinh (HS) ngoài học chính khóa, dễ dàng tham gia các khóa học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ. Còn ở nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu GV giảng dạy cũng như các trung tâm ngoại ngữ.
Đánh giá về điểm thi môn tiếng Anh, GS-TS Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng kết quả thi sẽ đặt ra yêu cầu cần cải thiện cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá cũng như đầu tư về ngoại ngữ cho các vùng miền khác nhau. Tức là tác động để chúng ta điều chỉnh về mặt chính sách.
“Tuy nhiên, điều đó cũng chưa phải là lý do để đổ lỗi cho chất lượng giáo dục. Bởi trước kỳ thi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT đều có đề thi minh họa để định hướng ôn tập. Đề thi chính thức giống gần như hoàn toàn về cấu trúc, từng nội dung, từng chủ điểm ngữ pháp cốt lõi. Vậy tại sao nhiều HS vẫn bị điểm thấp, thậm chí cả điểm liệt?” - thầy Huân nói.
Thầy Huân cho biết có nhiều lý do cần được xem xét như sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường đối với bộ môn này và GV trực tiếp giảng dạy.
“Trong quá trình dạy, GV không nên quá ôm đồm, tập trung những phần trọng tâm kiến thức. Nhóm tổ ngoại ngữ phải ngồi lại, phân tích, cái nào cốt lõi, cái nào phụ, chú ý đến phương pháp giảng dạy” - thầy Huân nhấn mạnh và cho biết thực tế nhiều HS không thích học môn này.
“Do đó, GV phải tạo cảm hứng và giúp các em biết được tầm quan trọng của môn tiếng Anh. Môn học này không chỉ là môn bắt buộc trong nhà trường mà hơn nữa nó còn là nhu cầu của xã hội và công việc” - thầy Huân chia sẻ.
Năm nay, điểm môn giáo dục công dân rất cao. Lý giải vấn đề trên, thầy Vũ Hồng Nhân, tổ trưởng chuyên môn tổ giáo dục công dân Trường THPT Trưng Vương, quận 1, cho biết dạng và kết cấu của đề thi năm nay so với những năm trước không có sự thay đổi nhiều.
“Do đó, GV đứng lớp sẽ nắm được cách thức ra đề, từ đó chủ động trong cách ôn tập và giảng dạy. Mặt khác, đề thi không quá khó. Do đó, điểm 10 môn này tăng kỷ lục là điều tất yếu” - thầy Nhân nói.
Đánh giá về phổ điểm thi ba môn trên, ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT, cho biết các môn toán, lý, hóa có tính ổn định khá cao. Trong khi đó, phổ điểm môn sử năm nay, về hình dáng đẹp hơn so với hai năm trước.
Môn giáo dục công dân có nhiều điểm khá giỏi, đây là điều đáng mừng không có gì lo lắng.
“Riêng phổ điểm môn tiếng Anh, Bộ GD&ĐT nên phân tích đến từng vùng, từng trường để xem như thế nào. Trên cơ sở đó mới có một kết luận và các đề xuất chính xác về dạy và học ngoại ngữ” - ông Ngọc nhấn mạnh.
Đây là năm thứ bảy TP.HCM dẫn đầu cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với 6,75. Tiếp đến là Bình Dương với 6,71 điểm. Hà Nội xếp thứ ba với 6,19 điểm.