Ông D. kiện ĐH KHTN, nơi ông từng công tác trước đây, cùng với hiệu trưởng và trưởng phòng tổ chức hành chính với yêu cầu phải cải chính thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống; xin lỗi công khai và bồi thường danh dự tượng trưng là 1.000 đồng. Lý do, nhà trường và những người liên quan đã xúc phạm danh dự, làm nhục và vu khống và buộc ông phải nghỉ hưu.
Phó giáo sư D. đang trả lời câu hỏi của luật sư
Tại tòa, ông D. cho biết gần 40 năm làm việc tại ĐH KHTN, có 23 năm giữ chức vụ giám đốc một trung tâm của trường.
Năm 2014, ĐH KHTN có quyết định dưới dạng văn bản bịa đặt thông tin không đúng về quá trình công tác của ông để ra quyết định nghỉ hưu mà không chấp nhận đề nghị kéo dài thời gian công tác theo nguyện vọng của ông. Cụ thể, các văn bản đã dùng 25 từ “không” để đánh giá ông như: “không hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại đơn vị”; “không tham gia giảng dạy tại khoa Vật lý”; “không có bài báo, công trình khoa học nào”…
Khi ban giám hiệu nhà trường lấy lý do ông không hoàn thành nhiệm vụ trong công việc để ra quyết định, ông khiếu nại nhà trường theo trình tự nhưng bị bác. Ông tiếp tục khiếu nại đến ĐH Quốc gia TP.HCM. Khi cơ quan này chưa có kết luận thì ngày 29-8-2014, ĐH KHTN đã ra quyết định cho ông nghỉ hưu.
Nguợc lại, phía bị đơn không đồng ý với yêu cầu ông D. đưa ra. Các văn bản mà ông D. viện dẫn trong vụ án thực chất chỉ phổ biến trong nội bộ, không đưa ra ngoài. Các văn bản, báo cáo là do phòng ban chuyên môn cung cấp, và báo cáo có thể đúng hoặc sai. Nhưng do ông D. cung cấp cho sinh viên và báo chí nên vụ việc mới được dư luận biết đến nhiều. Vì vậy không có căn cứ cho là phía bị đơn có hành vi vu khống, nói sai sự thật với ông D. Việc nguyên đơn yêu cầu xin lỗi, cải chính là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Do vụ án phức tạp, toà nghị án kéo dài đến ngày 5-5 mới tuyên án.