(PLO)- Sau một tuần mở cửa đón khách, phố ông đồ tại Nhà Văn hóa Thanh niên (quận 1) thu hút đông đảo khách tham quan đến chụp ảnh, mua sắm những ngày cận Tết.
Ngày 24-1, phố ông đồ tại Nhà Văn hóa Thanh niên (quận 1, TP.HCM) chính thức mở cửa đón khách tham quan .
Video: Phố ông đồ TP.HCM náo nhiệt những ngày cận Tết Sau một tuần mở cửa, phố ông đồ thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến chụp ảnh, vui chơi, mua sắm mỗi ngày.
Theo ghi nhận PV PLO vào trưa 31-1, dưới cái nắng hơn 33 độ, phố ông đồ tại Nhà Văn hóa Thanh niên (quận1, TP.HCM) vẫn đông nghịt du khách trong trang phục áo dài đến tạo dáng chụp ảnh bên các tiểu cảnh được trang trí hoành tráng, rực rỡ. Năm nay, phố ông đồ được trang trí với hơn 100 gốc mai vàng dọc vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch. Khung cảnh rực rỡ sắc vàng khiến nhiều du khách thích thú, hào hứng tạo dáng ở mọi ngóc ngách trong phố. Ngoài đường mai vàng, điểm thu hút khách của phố ông đồ năm nay còn có sự xuất hiện vô số tiểu cảnh tái hiện hình ảnh Tết xưa như cổng nhà ba gian, không gian làng nghề nón lá với 300 chiếc nón, bức tường gốm được thiết kế từ 600 chậu gốm được xếp chồng lên nhau. Và những bếp củi nấu bánh, vườn cúc mâm xôi đủ sắc màu... tạo nên một không gian Tết độc đáo giữa phố. Hồ Thị Hải An (ngụ TP. Thủ Đức) cho biết, năm nay cô và các bạn đã tranh thủ mặc áo dài chụp vài bộ ảnh khắp các địa điểm vui chơi tại TP.HCM trước khi về quê đón Tết. Ngoài Dinh Độc Lập, Chợ Bến Thành và Bảo tàng Áo dài, Hải An và các bạn chọn phố ông đồ làm địa điểm chụp ảnh kế tiếp vì nét đặc sắc của không gian Tết nơi đây. Bất chấp nắng nóng giữa trưa,cô và các bạn vẫn miệt mài tạo dáng để có được những bức ảnh đủ sáng, đẹp long lanh. Nguyễn Hoàng Nam (ngụ Bình Thạnh) cho biết, vì sinh sống ở TP.HCM từ nhỏ nên anh rất thích mô hình bếp củi và nồi bánh ở phố ông đồ, mô hình làm anh liên tưởng đến không khí đón Tết ở các miền quê Việt Nam trong đêm giao thừa. "Tôi và các bạn lên phố ông đồ vào buổi trưa, vì lo buổi sáng đông người và khó chụp ảnh, nhưng hiện tại phố vẫn rất đông, muốn chụp ảnh ở mô hình nào cũng phải xếp hàng chờ đến lượt" - anh Nam chia sẻ thêm. Không chỉ giới trẻ, phố ông đồ còn tấp nập hình ảnh các bà, các mẹ, các cô chú trung niên, ngoài trung niên trong trang phục áo dài đến chụp ảnh, tạo nên một khung cảnh đậm nét văn hóa Tết Việt giữa phố. Không gian nhà truyền thống được trang trí hoa mai, các vật dụng đặc trưng ở quê được đông đảo du khách yêu thích và chụp ảnh. Mặc dù giữa tuần, phố ông đồ vẫn thu hút nhiều người từ các quận đổ về vui chơi, chụp ảnh. Chị Kiều Trang (36 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cho biết, chị và các chị em hội bạn đi hơn 30 km từ Bình Chánh lên quận 1 vì thấy trên mạng phố ông đồ được trang trí rực rỡ sắc xuân, mọi người đua nhau checkin. "Mặc dù đông đúc nhưng xung quanh phố có nhiều cán bộ an ninh túc trực, đề phòng móc túi, cướp giật nên chúng tôi cũng yên tâm" - chị Trang nói. Theo quan sát, mỗi mô hình tiểu cảnh tại phố ông đồ đều trong tình trạng kín người, để chụp được kiểu ảnh ưng ý, nhiều người phải chờ xếp hàng đến lượt. Không chỉ đầu tư trang phục áo dài rực rỡ, nhiều người tại phố ông đồ còn chi tiền sắm các phụ kiện như cành hoa, khăn, kính, tò he... để có một bộ ảnh như ý. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1) cho biết, phố ông đồ là một trong số các hoạt động thường niên nổi bật diễn ra trong lễ hội Tết Việt năm 2024 tại Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1). Thông qua chương trình, ban tổ chức mong muốn lan tỏa thông điệp, tình yêu TP.HCM đến mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Đồng thời quảng bá hình ảnh, con người, nét đẹp văn hóa của một TP hiện đại đến mọi du khách, góp thêm năng lượng, động lực cho TP trước một năm mới với chặng đường mới.