PLO trích đăng bài viết của ông về việc giải quyết vấn đề biên giới, triển khai công tác phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới đất liền giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh:TG&VN
Nỗ lực to lớn, không mệt mỏi
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có lịch sử quan hệ gắn bó lâu đời. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh.
Trong quá trình phát triển mối quan hệ Việt Nam - Campuchia suốt hơn 40 năm qua, với nỗ lực to lớn và không mệt mỏi của cả hai bên, các vấn đề do lịch sử để lại giữa hai nước đã và đang từng bước được giải quyết tích cực, trong đó có vấn đề biên giới lãnh thổ.
Trải qua các triều đại phong kiến, giữa Việt Nam và Campuchia đã hình thành biên giới lịch sử nhưng cơ bản chỉ ở dạng các ranh giới vùng - miền. Trong thời kỳ thực dân, biên giới giữa hai nước có nhiều biến động bởi sự điều chỉnh của Toàn quyền Đông Dương. Đến khi Pháp rút khỏi Đông Dương (1954), toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa hai nước đã được thể hiện tương đối đầy đủ trên bản đồ Bonne tỉ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản.
Trong giai đoạn 1954-1977, hai bên đã xúc tiến một số cuộc đàm phán về biên giới nhưng không đạt kết quả. Sau khi nhà nước CHND Campuchia ra đời, ngày 18-2-1979, hai nước đã ký “Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia”.
Trên cơ sở hiệp ước này, hai nước đã đàm phán và ký “Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia” ngày 20-7-1983 và “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia” ngày 27-12-1985 (gọi tắt là Hiệp ước năm 1985).
Thực hiện Hiệp ước năm 1985, từ năm 1986 hai bên đã tiến hành công tác PGCM và dự kiến sẽ cắm 322 cột mốc trên thực địa, tuy nhiên đến đầu năm 1989, vì một số lý do, công tác PGCM đã tạm dừng. Từ năm 1999, đàm phán biên giới trên đất liền được nối lại và ngày 10-10-2005, hai nước đã ký “Hiệp ước giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985” (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung năm 2005), theo đó, đã điều chỉnh việc hoạch định biên giới tại một số khu vực và thỏa thuận việc triển khai công tác PGCM trên toàn tuyến.
Từ năm 2006, thực hiện Hiệp ước năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, hai bên tái khởi động công tác PGCM biên giới đất liền. Năm 2013, hai bên thống nhất cắm bổ sung các mốc phụ, cọc dấu để làm rõ hướng đi của đường biên giới trên thực địa. Kết quả đến nay, hai bên đã hoàn thành phân giới được khoảng 1.045 km đường biên giới, xây dựng được 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí trên thực địa, đạt khoảng 84% khối lượng công tác PGCM trên toàn tuyến.
Kết quả PGCM nêu trên được thể hiện rất chi tiết, cụ thể trong hai điều ước quốc tế cấp nhà nước mà hai bên vừa ký tại Hà Nội ngày 5-10-2019 vừa qua.
Đối với khối lượng 16% còn lại chưa được triển khai PGCM tại thực địa, trên tinh thần hợp tác tích cực, hai bên đều thể hiện quyết tâm sẽ sớm giải quyết toàn bộ để chuyển sang giai đoạn phối hợp giải quyết vấn đề phân định biển.
Thành quả quan trọng
Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư PGCM là sự kiện trọng đại trong quan hệ hai nước, là dấu mốc lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình giải quyết biên giới đất liền giữa hai nước sau hơn 36 năm đàm phán.
Việt Nam - Campuchia ký văn kiện pháp lý phân giới cắm mốc biên giới. Ảnh: TG&VN
Để có được những thành quả này, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai nước, Ủy ban liên hợp PGCM và các lực lượng trực tiếp tham gia công tác PGCM hai bên đã vượt qua nhiều khó khăn, phức tạp trong công tác, trong đó có thể kể đến như mâu thuẫn về địa hình giữa bản đồ và thực địa; tình trạng sinh sống, canh tác quá sang nhau của cư dân hai bên biên giới; địa hình khu vực biên giới hiểm trở ở vùng núi, sình lầy ở vùng đồng bằng, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn...
Bên cạnh đó, còn có những khó khăn do lịch sử để lại, việc một số thế lực sử dụng vấn đề biên giới vào mục đích chính trị tiêu cực, đi ngược lại quan hệ hữu nghị, mong muốn và lợi ích của hai dân tộc.
Chúng ta cũng hy vọng rằng thành quả này sẽ tạo động lực quan trọng để hai bên tiếp tục đàm phán giải quyết nốt 16% khối lượng công tác PGCM còn lại, tiến tới xây dựng hoàn chỉnh một đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đúng với phương châm quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa hai nước.