Phó Thủ tướng cắt băng khánh thành cầu Cao Lãnh

Ngày 27-5, tại xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), Bộ GTVT tổ chức lễ khánh thành cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê kông.

Cầu Cao Lãnh nhìn từ trên cao

Đến dự lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh cùng nhiều lãnh đạo bộ ngành trung ương, địa phương các tỉnh, thành ĐBSCL...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng bà Julie Bishop, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia

Đến dự lễ khánh thành có Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Ngay từ rất sớm nhiều người dẫn đã tập trung khu vực đường dẫn cầu để chứng kiến thời khắc hai bờ sông Tiền trên địa phận Đồng Tháp được nối liền.

Rất đông người dân háo hức chờ xem cầu Cao Lãnh thông xe

10 giờ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tuyên bố khánh thành và chính thức đưa cầu Cao Lãnh vào sử dụng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói: Cầu Cao lãnh là công trình quan trọng kết nối liền đôi bờ sông Tiền, đáp ứng mong mỏi nhiều đời nay của người dân Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung.

ĐBSCL là khu vực có vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đây là vùng đất có nhiều lợi thế phát triển kinh tế trong đất liền cũng như phát triển kinh tế biển, không những là trung tâm sản xuất lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu cả nước mà còn cả xuất khẩu đảm bảo an ninh lương thực khu vực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tuyên bố khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Cao Lãnh

“Để ĐBSCL phát triển bền vững, phát huy hết lợi thế của mình thì việc đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là yêu cầu bức bách và rất cần thiết. Trong đó dự án cầu Cao lãnh và tuyến kết nối cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông là công trình giao thông quan trọng với sự phát triển kinh tế-xã hội Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ĐBSCL cũng như năng lực cạnh tranh của đất nước.

Việc đưa cầu Cao Lãnh vào sử dụng sẽ tạo ra mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ với trung tâm khu vực đồng bằng Mê Kông, cũng như việc kết nối ĐBSCL với khu vực trọng điểm phát triển kinh tế Nam bộ. Đồng thời việc hoàn thành dự án này cũng mở ra tuyến đường mới từ Tây Nam bộ với các khu vực trong nước góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, an ninh chính trị, nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt giảm tải giao thông, chia sẻ giao thông các tỉnh trong khu vực” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời Phó Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực các bộ ngành, nhà thầu; biểu dương cấp ủy chính quyền và nhân dân Đồng Tháp, ghi nhận lao động của hàng ngàn công nhân thi công công trình.

Dịp này Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn sự hợp tác hỗ trợ của chính phủ Úc và Ngân hàng ADC. Theo Phó Thủ tướng, cầu Cao Lãnh cùng với cầu Mỹ Thuận là hình mẫu sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Úc dành cho Việt Nam và là minh chứng sống động cho quan hệ chiến lược Việt Nam-Australia.

Đến 10 giờ 30 cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng bà Julie Bishop, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và các vị lãnh đạo trung ương, bộ ngành cùng cắt băng khánh thành cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê kông. Sau đó các đoàn ô tô đầu tiên chầm chậm lăn bánh qua cầu.

Các đại biểu cắt băng khánh thành

Sau đó các đoàn ô tô đầu tiên chầm chậm lăn bánh qua cầu.

Cầu Cao Lãnh nối hai bờ sông Tiền trên địa phận Đồng Tháp cùng với tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội và củng cố an ninh quốc phòng khu vực ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp nói riêng

Cầu Cao Lãnh được khởi công ngày 19-10-2013, sau gần 4,5 năm thi công, công trình đã hoàn thành và được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước chấp thuận nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng. 

Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng chi phí xây dựng khoảng 7.500 tỉ đồng. Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long là đại diện chủ đầu tư của dự án; Tư vấn thiết kế và giám sát thi công là Liên danh tư vấn quốc tế CDM SMITH Inc (Mỹ) - WSP FINLAND Limited (Phần Lan) - YOOSHIN Engineering Corporation (Hàn Quốc).

Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền có chiều dài 2,01 km và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống dài 21,45 km đi qua địa phận huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp.

Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35 km về phía thượng lưu, được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây: nhịp chính dài 350 m; chiều cao thông thuyền 37,5 m; trụ tháp hình chữ H cao 123,4 m; mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6 m gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế là 80 km/h.

Cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê kông từ Kiên Giang qua Đồng Tháp Mười lên TP.HCM.

Cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê kông

Dự án kết nối cùng với tuyến N2 hiện hữu, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang thi công, hình thành nên trục giao thông quan trọng kết nối TP.HCM với các tỉnh Tây Nam bộ, từng bước hình thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc. Từ đây, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh của khu vực ĐBSCL.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới