Ngày 10-2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến làm việc với năm tỉnh Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện ba chương trình Mục tiêu (MTQG) về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các ban, bộ, ngành và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Hội nghị tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.
Giải ngân thấp, bố trí vốn chậm
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nêu rõ hiện nay cơ chế chính sách và các hướng dẫn việc triển khai thực hiện chương trình MTQG còn chưa đầy đủ nên các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu của chuyến công tác này thu thập những thông tin vướng mắc, lắng nghe ý kiến của các địa phương để họp bàn phương án tháo gỡ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thống kê giai đoạn 2021-2025, trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển là 11.731 tỉ đồng cho các địa phương thuộc vùng Tây Nguyên.
Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện ba chương trình MTQG là 3.878 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương đối ứng hơn 877 tỉ đồng. Tính đến ngày 31-1, ước thanh toán vốn đầu tư công chỉ đạt 1.348 tỉ đồng, thấp hơn 8,88% so với bình quân chung của cả nước khoảng 57%.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm làng Đê Kjêng, xã Ayun, huyện Mang Yang. Ảnh: LK. |
Kế hoạch năm 2023, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho các địa phương trong khu vực Tây Nguyên là trên 3.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, có 2/5 tỉnh chưa hoàn tất phân bổ kế hoạch của năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG qua tổng hợp báo cáo từ địa phương, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách do trung ương ban hành đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Một số vấn đề nổi cộm như: Trung ương vẫn chưa ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn phù hợp với thực tế tại địa phương triển khai chương trình; chưa hướng dẫn cụ thể đối với một số nội dung, tiêu chí về các khoản chi trong các chương trình OCOP, dinh dưỡng…
Nêu một số vướng mắc cụ thể của địa phương, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai bày tỏ: Chính phủ chưa ban hành định mức về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung nên các địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Cùng với đó, theo quy định thì không cho phép sử dụng kinh phí hỗ trợ mua đất sản xuất nên các địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ hộ nghèo gặp rất nhiều khó khăn.
“Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quyết định quy định về định mức hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện”, bà Lịch nói.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cho rằng: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nhu cầu nguồn lực cần thiết phải đầu tư là rất lớn nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương còn hạn chế; không thể đáp ứng được yêu cầu theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch kiến nghị Chính phủ tháo gỡ nhiều vướng mắc. |
Địa phương Kon Tum, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề cập công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện ba chương trình MTQG còn chậm so với thời điểm giao kế hoạch, dự toán hàng năm của địa phương gây nhiều khó khăn cho việc cân đối xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện các chương trình.
Việc thực hiện cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG thì kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đều có thời gian thực hiện từ 2-3 năm, trong khi việc giao dự toán ngân sách nhà nước theo hàng năm.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng cũng nêu lên một số vấn đề còn khó khăn tồn tại do các Bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản chính sách chưa kịp thời gây khó khăn cho địa phương trong việc thực hiện.
Gỡ vướng cho vùng Tây Nguyên
Sau khi nghe báo cáo từ các đại phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những phần việc mà các tỉnh Tây Nguyên đã làm được trong thời gian qua. Đồng thời ghi nhận những ý kiến, trao đổi xác thực về khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải.
Phó Thủ tướng nhìn nhận, quá trình triển khai ba chương trình MTQG còn chậm, khó khăn lớn còn thiếu lớn nhất là hệ thống văn bản, hướng dẫn quy định khung của Trung ương. Có những hướng dẫn quy định thì chưa rõ, nhiều cách hiểu khác nhau nên rất khó thực hiện, cần có sự điều chỉnh.
Phó Thủ tướng chỉ rõ: Hiện tại chúng ta đã bước qua năm thứ 2 của nhiệm kỳ 5 năm triển khai ba chương trình MTQG mà các quy định còn chưa xong, nên trong ba năm còn lại sẽ có một khối lượng công việc khổng lồ kể cả việc phải điều chuyển, sửa đổi những quy định mà đã áp dụng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: MN. |
Do vậy, đề nghị các địa phương, cấp bộ, ngành cần nỗ lực, cố gắng hơn trong công tác phối hợp triển khai. Thời gian đến, cần tập trung các vấn đề: Kết thúc quý I năm 2023 phải có đủ quy định khung mà chúng ta chưa ban hành.
Đồng ông Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Văn phòng chính phủ, sau khi kết thúc đợt công tác sớm tập hợp, rà soát, thống kê, tham mưu Phó Thủ tướng văn bản nhắc nhở cụ thể đến các bộ, ngành, địa phương về những việc cần phải giao có kèm theo thời gian hoàn thành.
“Tinh thần chung cuối quí 1 năm 2023 chúng ta sẽ hoàn thành các văn bản còn thiếu, có thể rà soát một số nội dung có tính chất quyết định những văn bản còn chồng chéo hoặc chưa rõ. Sau đó, có báo cáo cho Quốc hội tại kỳ họp sắp đến”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng ba chương trình MTQG gồm: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa rất lớn, nhằm chăm lo cho những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa để kéo gần sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn.
Trước đó, chiều 9-2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác đã đi khảo sát tình hình thực hiện các chương trình MTQG hai huyện Đắk Đoa và Mang Yang.
Tại nơi đến, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con dân làng, cũng như việc triển khai của chính quyền địa phương để bàn cách tháo gỡ.