Ngày 12-1, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết ngành dầu khí vẫn còn nhiều tồn tại như sự phát triển ngành dầu khí cả về quy mô, năng lực, công nghệ còn chậm, chưa đồng bộ so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Năng lực điều hành và khả năng kinh doanh còn hạn chế so với một số nước trong khu vực. Một số dự án đầu tư ra nước ngoài hiệu quả còn thấp, rủi ro cao.
“Nhiều dự án trong nước đầu tư kém hiệu quả nhưng chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Nếu không giải quyết được sẽ ngày càng khó khăn vì mất tiền nhiều hơn” - Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, chính những sai phạm của một số tập thể, cá nhân đã khiến tập đoàn bị ảnh hưởng rất lớn trong thời gian qua, cả về uy tín, giá trị thương hiệu, tâm tư, tình cảm của người lao động và sự tự tin của một bộ phận cán bộ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng cho rằng khó khăn nhưng chưa đổ vỡ thì nó là cơ hội để PVN nhìn lại. "Đây cũng là cơ hội để chúng ta cùng nhau nhìn thẳng sự thật, cùng nhau tái cấu trúc tập đoàn một cách mạnh mẽ, toàn diện, tạo tiền đề cho một giai đoạn phát triển vững mạnh hơn trong thời gian tới” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu PVN cần tiếp tục việc tái cấu trúc tập đoàn. “Xem cái gì cần làm, cần quan tâm, từ đó tái cấu trúc đầu tư, chống thất thoát lãng phí cả hữu hình, vô hình. Tái cấu trúc quản trị để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu PVN cần tiếp tục xử lý các dự án kém hiệu quả, tập trung đưa vào hoạt động. Bởi nếu không hoạt động thì mất tiền rất nhiều bởi chịu lãi suất và hao mòn.
Ông Nguyễn Thanh Hưởng, Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, chia sẻ sau thông tin loạt nguyên lãnh đạo cấp cao bị bắt, khởi tố thì các nhà thu xếp vốn đầu tư cho một số dự án của tập đoàn, trong đó có Nhiệt điện Thái Bình 2, dừng giải ngân. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công dự án này, vốn đã chậm so với kế hoạch hơn một năm.
"Tâm lý đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh. Chỉ cần nghe thông tin công an triệu tập ai đó trong tập đoàn là tư tưởng từ lãnh đạo tới người lao động cấp dưới đều bị ảnh hưởng" - ông Hưởng nói.
Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch PVN.
Còn Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh cho rằng Đảng và Nhà nước không bỏ rơi ngành dầu khí, không làm khó người làm dầu khí chân chính. Tuy nhiên, nếu không răn đe mà cứ để trôi đi thì không biết vốn sẽ trôi đi đâu. Do vậy, việc răn đe nghiêm minh là cần thiết để tất cả cán bộ, nhân viên PVN điều chỉnh lại mình.
Ông Thanh cũng cho biết sắp tới, PVN sẽ không dàn trải trong đầu tư. “Đừng dàn trải, đừng việc gì cũng làm. Nếu việc được giao mà ta thấy làm không hiệu quả thì phải báo cáo dừng. Không làm nếu có nguy cơ mất vốn cao. Chúng tôi không sợ việc nhưng phải chọn việc mà làm, đó là cách phân bổ nguồn lực cho có hiệu quả” - ông Thanh nói.