Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong thời gian làm kế toán trưởng kiêm trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN, cụ thể là từ tháng 3-2009 đến tháng 12-2013 (hơn 4 năm), bị can Ninh Văn Quỳnh đã nhiều lần nhận từ Nguyễn Xuân Sơn, khi đó là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) số quà, tiền lên đến 20 tỉ đồng! Cho rằng đây là tiền chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của OceanBank và Quỳnh đã chi tiêu hết cho cá nhân, VKSND Tối cao đã truy tố Quỳnh về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Dính tội do tư túi số tiền “khủng” từ một hoạt động trái phép thì không phải là điều lạ. Thế nhưng, có hai chi tiết sau đây khiến nhiều người ngờ ngợ về tội danh khác của Quỳnh.
Tại phiên tòa xét xử các sai phạm của OceanBank vào đầu năm 2017, tuy có khai “đã nhận tiền từ Sơn đưa” nhưng Quỳnh phủ nhận chuyện PVN nhận lãi ngoài hợp đồng của OceanBank. Cạnh đó, theo kết quả điều tra vụ án được báo chí đưa tin trước đó thì mục đích đưa tiền của Sơn là để Quỳnh có những quan tâm, giúp đỡ tham mưu đề xuất cho lãnh đạo PVN ban hành chủ trương, yêu cầu các đơn vị thành viên của PVN hỗ trợ, sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, gửi tiền tại OceanBank…
Nếu vậy thì có nghĩa là OceanBank không phải gửi tiền cho PVN thông qua Quỳnh và rồi Quỳnh đã lạm quyền chiếm đoạt mà là gửi riêng cho Quỳnh để “cảm ơn” về những hỗ trợ bất chính đằng sau của Quỳnh? Và nếu đúng là Quỳnh đã có hành vi lợi dụng chức kế toán trưởng để tác động lãnh đạo PVN làm những việc có lợi cho OceanBank nhằm trục lợi thì tội danh bị truy tố có phù hợp? Hay đúng ra phải là tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo Điều 283 BLHS nêu trên?
So sánh thêm thì mức phạt tù đối với hai tội này đều như nhau: Ứng với số tiền bị chiếm đoạt hoặc trục lợi là 1 tỉ đồng trở lên thì mức hình phạt cùng là 20 năm tù hoặc chung thân. Còn về hình phạt bổ sung, người phạm tội theo Điều 280 có thể bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng; người phạm tội theo Điều 283 có thể bị phạt tiền từ 1- 5 lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi.
Nhân đây xin giới thiệu quy định mới: Ở Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018), cả hai tội trên (được quy định tại Điều 355 và 358) cùng có mức phạt tù như trên, cùng bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm và cùng có mức phạt tiền bổ sung là từ 30 triệu đến 100 triệu đồng. Riêng người phạm tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản” còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ở các phiên tòa sắp tới, chiếu theo nguyên tắc “định tội theo hành vi”, tòa án sẽ định tội cụ thể đối với Ninh Văn Quỳnh. Còn với số đông người dân, điều được quan tâm nhiều hơn chính là mối liên quan giữa tiền, quà trên mức tình cảm với các tội phạm về tham nhũng và mức hình phạt nghiêm khắc đi kèm. Đáng nói là việc phạt tiền nằm trong hình phạt bổ sung, chẳng biết có phải do BLHS cũ lẫn mới đều quy định chung chung là “có thể” mà ít thấy các tòa áp dụng.
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi Điều 283 BLHS cũ: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng… để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm…”. Điều 358 BLHS mới: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ hai triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; b) Lợi ích phi vật chất.…”. |