Sáng 12-7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT sáu tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm của Ủy ban ATGT quốc gia.
Tai nạn giao thông do rượu bia giảm rất mạnh
Đánh giá kết quả đạt được trong sáu tháng qua, Phó Thủ tướng nêu năm việc, đầu tiên là Quốc hội khóa XV thông qua Luật Trật tự, ATGT đường bộ và Luật Đường bộ, tạo cơ sở hành lang pháp lý để thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, ATGT.
Thứ hai, số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) giảm hơn 10,6%. “Tôi vẫn thường trao đổi với các đồng chí, chúng ta nhiều khi chưa thấm đâu nhưng nếu như gia đình có một người bị TNGT mới thấy giá trị của việc chúng ta đang làm…” - Phó Thủ tướng nói.
Thứ ba, Phó Thủ tướng ghi nhận ùn tắc giao thông được xử lý hiệu quả hơn. Kết quả này một phần do cơ sở hạ tầng được cải thiện, phần khác do các bộ, ngành có kinh nghiệm hơn, phối hợp tốt hơn.
Thứ tư, theo Phó Thủ tướng, điều đáng mừng là TNGT do rượu bia giảm rất mạnh. Nhắc tới quy định “cấm tuyệt đối lái xe khi có nồng độ cồn” tại Luật Trật tự, ATGT đường bộ, Phó Thủ tướng cho hay các nước tiên tiến trên thế giới đều làm vậy, thậm chí mức phạt kèm theo có thể phải ngồi tù.
Ông cũng gửi lời cảm ơn các cơ quan báo chí, bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác truyền thông, có những tin, hình ảnh, clip “xem chúng ta giật mình”, thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, mang lại hiệu quả cao.
Nghiên cứu tăng mức xử phạt
Nói về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý ba nhóm việc: Từng bước chuyển biến được ý thức của người tham gia giao thông; quản lý tốt phương tiện để ngăn chặn lỗi do phương tiện gây ra; cải thiện và quản lý cơ sở hạ tầng.
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo địa phương, đặc biệt là địa phương lớn, địa phương đang có nhiều chỉ số không tích cực về nguy cơ TNGT, TNGT nghiêm trọng, cần quan tâm đến những việc làm tích cực để thúc đẩy, động viên và chấn chỉnh với tinh thần quyết liệt những việc chưa tốt.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng CSGT tích cực tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. “Bất kỳ ai can dự, các đồng chí cứ liên lạc, nhắn tin cho tôi. Tôi sẽ chịu trách nhiệm, không nghiêm không xong” - ông Trần Lưu Quang nói.
Phó Thủ tướng cũng giao hai bộ Công an và GTVT nghiên cứu về việc tăng mức xử phạt, tinh thần là phải bảo đảm tính răn đe.
Theo ông Trần Lưu Quang, có người phạt tiền họ không sợ nhưng giữ bằng lái một năm là khiếp lắm. Ngược lại, có trường hợp rất khổ, thậm chí không đóng phạt nổi nhưng hình phạt phụ lại phù hợp với họ.
Bởi vậy, Phó Thủ tướng cho rằng hình phạt chính và hình phạt phụ làm sao phải hài hòa, có tính răn đe nhưng không quá đáng, nằm trong khuôn khổ pháp luật.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với các tổ chức đoàn thể nghiên cứu nhân rộng các mô hình hay, như mô hình xây dựng tỉnh an toàn về giao thông của Bắc Ninh.
Ông Trần Lưu Quang cũng nhắc tới vai trò của việc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, dữ liệu số, đặc biệt là Đề án 06 trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT.
Phó Thủ tướng chia sẻ trao đổi của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long về việc mua thông tin từ camera gắn trên các xe về ứng dụng của Bộ Công an để làm cơ sở cho việc xử phạt trong thời gian tới. Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính làm sao triển khai việc này một cách thông thoáng.
“Bởi giờ không chỉ là công an, là camera gắn trên đường, mà cả camera trong các xe đi xung quanh, khả năng lọt lưới rất thấp, hầu như bằng 0” - Phó Thủ tướng cho rằng điều này sẽ giúp xây dựng ý thức tham gia giao thông của tất cả mọi người bằng các biện pháp răn đe, vốn là biện pháp hiệu quả nhất.
Số người tử vong do tai nạn giao thông giảm
Theo báo cáo, từ ngày 15-12-2023 đến ngày 14-6-2024, toàn quốc xảy ra hơn 12.000 vụ TNGT, làm chết gần 5.400 người, bị thương khoảng 9.500 người.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2023, số người tử vong do TNGT giảm 10,61% nhưng số vụ TNGT tăng 15,58% và số người bị thương tăng 34%.
Tai nạn nghiêm trọng có chín vụ. Số vụ chống người thi hành công vụ là 78 vụ, tăng 45 vụ (gần 60%). Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông chưa có chuyển biến lớn. Số người vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy vẫn còn. Đáng lưu ý, số người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông tăng, chủ yếu là trẻ em…
*****
Ý KIẾN ĐỊA PHƯƠNG
Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM NGUYỄN THÀNH LỢI:
Đề nghị xây dựng kịch bản cho các tình huống đóng cao tốc TP.HCM - Dầu Giây
Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM Nguyễn Thành Lợi cho hay sáu tháng qua, TP tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tại 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Kết quả, năm điểm chuyển biến tốt, 11 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và tám điểm không chuyển biến.
Về tai nạn giao thông (TNGT), trên địa bàn đã xảy ra 808 vụ TNGT (kể cả va chạm), làm chết 223 người, bị thương 539 người. So với cùng kỳ năm 2023 đã giảm 15 vụ (2%), đặc biệt giảm 129 người chết (37%) - con số kéo giảm rất sâu… Ngoài ra, không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng.
Về điểm đen TNGT, tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn TP có chín điểm đen. Tính đến cuối tháng 6-2024, TP còn lại tám điểm đen, đang rà soát để công bố xóa thêm một điểm đen và xác lập một điểm đen khác.
Liên quan đến công tác tuần tra, xử lý theo các chuyên đề, ông Lợi cho biết lực lượng chức năng của TP đã xử lý hơn 22.200 trường hợp vi phạm tốc độ, so với cùng kỳ giảm gần 6.000 trường hợp (giảm 20,5%); xử lý gần 41.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, so với cùng kỳ tăng hơn 4.000 trường hợp (tăng gần 11%). Đồng thời xử lý 762 trường hợp vi phạm quá tải, quá khổ giới hạn, cơi nới thành thùng xe.
TP cũng đã chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng chủ động thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, rà soát, lập danh sách quản lý các lò độ xe, tiệm sửa xe nghi vấn độ xe, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ tùng, linh kiện phục vụ độ xe.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra hoạt động các cơ sở trên địa bàn để kịp thời phát hiện, lập biên bản xử phạt theo thẩm quyền. Trong quý II-2024, ông Lợi thông tin chưa ghi nhận vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng.
Nêu một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Lợi cho biết TP sẽ thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức phân luồng giao thông khoa học, hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến cửa ngõ ra vào TP, các tuyến đường kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt, bến xe khách...).
Các lực lượng chức năng cũng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trên cơ sở lấy sự an toàn của người dân làm trung tâm, làm động lực hành động.
Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu các đơn vị chuyên môn và các địa phương với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT.
Triển khai tuyên truyền, xử lý đối với xe cơ giới không bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật, xe thô sơ, xe tự chế, xe cũ nát tham gia giao thông. Tiếp nhận và xử lý vi phạm qua hình ảnh do người dân cung cấp theo thư kêu gọi của Công an TP…
Tại hội nghị, TP.HCM kiến nghị Ủy ban ATGT quốc gia, đề nghị Bộ Công an, Bộ GTVT có kịch bản cụ thể cho các tình huống đóng cao tốc đối với tuyến cao tốc TP.HCM - Dầu Giây.
------
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội DƯƠNG ĐỨC TUẤN:
Hà Nội kiến nghị nâng cao mức xử phạt với một số vi phạm đặc trưng
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin riêng trong quý II-2024, các lực lượng chức năng của TP đã kiểm tra, xử lý trên 94.000 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông (ATGT), phạt tiền trên 180 tỉ đồng, tạm giữ trên 35.000 xe, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trên 21.000 trường hợp.
Đặc biệt, Tổ công tác 141 của Công an TP đã phát hiện 502 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, bàn giao 564 đối tượng cho các đơn vị chức năng điều tra, giải quyết. Đồng thời phát hiện, xử lý hơn 2.150 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Nói về tình hình tai nạn giao thông (TNGT), ông Tuấn cho biết sáu tháng đầu năm 2024, Hà Nội xảy ra 805 vụ TNGT làm 339 người chết, 688 người bị thương, so sánh với cùng kỳ năm 2023, tăng 227 vụ (hơn 39%), tăng tám người chết (hơn 2,4%) và tăng 301 người bị thương (gần 78%).
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, ATGT, đặc biệt các hành vi nguy cơ cao như vi phạm nồng độ cồn; vi phạm tốc độ; xe chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng; điều khiển xe đi không đúng làn đường, phần đường quy định…
Đặc biệt, TP sẽ tăng cường xử lý qua hệ thống camera trên tinh thần thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT tham mưu Chính phủ nâng cao mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm đặc trưng, là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, TNGT. Ông Dương Đức Tuấn dẫn chứng các hành vi vi phạm nồng độ cồn, quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xe, quá tốc độ quy định.
Với việc Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Dương Đức Tuấn nói: “Chúng tôi sẽ trình nâng mức xử phạt ATGT lên mức cao gấp đôi so với bình quân chung của quốc gia”.
-----
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh NGÔ TÂN PHƯỢNG:
Mô hình tỉnh an toàn giao thông của Bắc Ninh
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng cho biết tỉnh đang triển khai rất thành công nhiệm vụ xây dựng tỉnh ATGT.
Bắc Ninh đã thực sự huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, phường, thôn, xóm đến họ hàng, dòng tộc... của mỗi người dân trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đã ban hành và triển khai thành công sáu bộ tiêu chí về ATGT; xây dựng bộ quy tắc văn hóa giao thông của người Bắc Ninh; gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị và cá nhân không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách, quản lý.
Sáu tháng đầu năm, Bắc Ninh xảy ra 80 vụ TNGT, làm 36 người chết, 53 người bị thương, giảm 25,9% số vụ, 35,7% số người chết và 27,4% số người bị thương.