Phó Thủ tướng: Ùn tắc ở TP.HCM và Hà Nội gia tăng trở lại
Sáng 28-12, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá: Tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. “Đặc biệt, đây là năm thứ ba liên tiếp có số người tử vong giảm xống ở mức thấp nhất trong vòng năm năm qua, ở sát mức 8.000 người”, ông thông tin.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần thẳng thắn nhìn nhận tai nạn giao thông còn ở mức cao, vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của dân.
Phó Thủ tướng cho rằng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thủy còn diễn biến phức tạp. Vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích, ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông gia tăng.
“Tình hình ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM chưa được cải thiện và có chiều hướng gia tăng trở lại. Xe chở quá trọng tải vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương gây bất bình trong nhân dân” - ông Bình nói.
Phó Thủ tướng đề nghị cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém và chỉ ra các nguyên nhân. Từ đó đưa ra những giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong năm tới, trước mắt là đảm bảo an toàn giao thông dịp tới.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình trạng ùn ứ giao thông xảy ra khá thường xuyên tại các đoạn tuyến có các công trình giao thông thi công kéo dài, tổ chức giao thông bất hợp lý, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn chiếm vỉa hè lòng đường để kinh doanh, đỗ xe trái phép... cũng là nguyên nhân gây ùn ứ giao thông trong các đô thị.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu chủ trì đầu cầu TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết ngay từ đầu năm với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ, tai nạn giao thông trong năm 2019 đã giảm cả ba mặt. Cụ thể đã xảy ra 3.427 vụ tai nạn, làm chết 641 người và bị thương 2.406 người. So với năm ngoái, giảm hơn 5,8% vụ tai nạn, giảm hơn 10,3% số người chết và giảm gần 3% số người bị thương. Đặc biệt không xảy ra vụ giao thông đặc biệt nghiêm trọng nào.
Về xử lý các điểm đen tai nạn giao thông, ông Châu cho biết đầu năm có 16 điểm thì đến nay đã xóa được 10 điểm nhưng lại phát sinh 6 điểm đen mới. “Như vậy còn 12 điểm đen, UBND TP xác định quý I-2020 sẽ xóa tiếp 4 điểm đen nữa” – ông Châu nói.
Về kéo giảm ùn tắc giao thông, ông Châu cho biết TP đã chỉ đạo triển khai kế hoạch xử lý 28 điểm có nguy cơ ùn tắc trên địa bàn, ngăn chặn bước đầu không để xảy ra ùn tắc kéo dài, nhất là ở hai khu vực trọng điểm sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái.
Để giảm ùn tắc, TP.HCM cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm, tổ chức giao thông hợp lý. Kết quả đến cuối năm 2019 có 16 điểm ùn tắc chuyển biến tốt, 7 điểm chuyển biến phức tạp và 6 điểm chưa chuyển biến. Dự kiến trong quý I-2020 sẽ xử lý 6 điểm ùn tắc.
Sau khi nghe ông Châu nói, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng TP.HCM cần khắc phục tình trạng ùn tắc để tạo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông.
Ông Trương Hòa Bình cũng lưu ý TP.HCM cần xóa các điểm đen tai nạn giao thông. “Giải pháp thế nào đây?” – ông Bình đặt vấn đề và cho rằng để xóa điểm đen cần phải nâng cao chất lượng hạ tầng, mở rộng đường, làm thêm cầu, hầm chui... nhưng không để kéo dài.
7.624 người chết vì tai nạn giao thông
Theo ông Khuất Việt Hùng, năm qua toàn quốc xảy ra hơn 17.600 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người. So với năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông giảm hơn 5%, số người chết giảm hơn 7% và số người bị thương giảm hơn 6,4%.
Có 55 tỉnh, thành giảm về số người chết do tai nạn giao thông, trong đó 22 địa phương giảm trên 10%, đặc biệt bốn tỉnh Lai Châu, Kiên Giang, Bến Tre và Lào Cai giảm trên 30%. Còn năm địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng là Thừa Thiên-Huế, Tiền Giang, Hải Dương, Lạng Sơn và Khánh Hòa.
Về ùn tắc giao thông, ông Hùng cho biết trong năm đã xảy ra 88 vụ ùn tắc kéo dài, giảm bốn vụ so với năm 2018. Trong số các nguyên nhân thì có đến 61 vụ ùn tắc do tai nạn giao thông, 10 vụ ùn tắc do lưu lượng phương tiện tăng cao vào giờ cao điểm, ba vụ ùn tắc do mưa lớn gây sạt lở, còn lại 14 vụ là do các nguyên nhân khác.