Dự kiến sáng nay (29-11), hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 34, khóa X sẽ khai mạc dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị lần này là sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Khai thông 32 dự án trên 10 ha
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, việc triển khai các nội dung, đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các cơ chế, chính sách ban hành đã góp phần sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, khuyến khích nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, TP đã điều chỉnh được một số hành vi góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của TP, các dự án chỉnh trang phát triển đô thị, xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng khang trang. Đề án cũng thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài tham gia đóng góp cho sự phát triển của TP.
Cụ thể như về quản lý đất đai, trong hai năm thí điểm, HĐND TP đã ra ba nghị quyết thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa với tổng diện tích đất trồng lúa là hơn 1.843 ha.
Trong quản lý đầu tư, HĐND TP đã thông qua ba dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư là hơn 11.000 tỉ đồng. Các dự án này là xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ (1.491 tỉ đồng), dự án bồi thường giải phóng mặt bằng Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (phường An Phú, quận 2 - hơn 8.000 tỉ đồng) và dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở Thủ Thiêm (hơn 1.500 tỉ đồng). Các bước triển khai dự án đang được UBND TP chỉ đạo thực hiện.
Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, một trong những nội dung mà Nghị quyết 54 cho TP.HCM thí điểm là đề xuất điều chỉnh các loại phí phù hợp với tình hình thực tế của TP.
Với nội dung này, trong năm 2018 HĐND TP đã ra nghị quyết điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn theo hướng càng xả thải nhiều đóng phí càng cao. Cụ thể, các cơ sở có tổng lượng nước thải dưới 5 m3/ngày đêm áp dụng mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Nếu tổng lượng nước thải trên 5 m3/ngày thì tính theo công thức riêng. Với các điều chỉnh này, thời gian qua đã khuyến khích các cơ sở sản xuất tiết kiệm hơn việc sử dụng nước sạch, tái sử dụng nước nhằm giảm lượng nước thải ra môi trường.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: “Việc triển khai đề án thu nhập tăng thêm là động lực cho cán bộ, công chức phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn”. Ảnh: HOÀNG GIANG
Động lực để cán bộ làm việc, phục vụ dân tốt hơn
Về chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, đây được xem là một trong những nội dung thí điểm mang lại hiệu quả, tạo động lực làm việc cho cán bộ TP. Năm 2019, TP dự kiến chi hơn 7.200 tỉ đồng cho thu nhập tăng thêm này.
Để chi trả tăng thêm cho sát thực tế, UBND TP cũng đã sửa đổi, bổ sung cách đánh giá, phân loại cán bộ với mức điểm phân loại sẽ cao hơn trước. Đặc biệt sẽ áp dụng nguyên tắc “tỉ lệ mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 50% số lượng lãnh đạo của cơ quan, đơn vị” đối với những người đang được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định.
Tuy nhiên, quy định này làm cho nhiều người băn khoăn khi trong một đơn vị có nhiều lãnh đạo cùng xuất sắc thì sao.
Hơn 412.000 tỉ đồng là tổng thu ngân sách ước đạt trong năm 2019 của TP.HCM. Với con số này, thu ngân sách TP.HCM năm nay ước đạt hơn 103% dự toán và tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước đạt hơn 1.347.000 tỉ đồng, tăng 8,32%. Mức tăng này cao hơn so với năm ngoái (8,3%). Các ngành dịch vụ phát triển theo hướng nâng tỉ trọng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, 8/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng nhanh hơn so với cùng kỳ đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của kinh tế TP. |
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCMvề nội dung này, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho rằng nếu ai cũng xuất sắc thì phải “bó đũa chọn cột cờ” chứ không thể nói xuất sắc một cách cào bằng.
Ví dụ, trong đơn vị đó có ba người xuất sắc thì phải chọn ra một người xuất sắc nhất. Người đó đại diện cho năng suất lao động, sáng tạo tư duy và quy tụ lực lượng. Đòi hỏi người đó phải có sự sáng tạo, hiến kế giải pháp tốt hơn, chứ không phải như mọi công chức khác. Người xuất sắc đó chưa hẳn đã là người đứng đầu đơn vị. “Mình cũng không phải khắt khe nhưng quan điểm của thủ trưởng đơn vị là phải có kế hoạch chi tiết để mọi người tự đặt ra mức phấn đấu, cuối cùng mới ra được hiến kế giải pháp” - ông Hùng nói.
Trước đó, nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết cách đánh giá mới chặt chẽ và xác thực hơn hiệu quả công việc của cán bộ, công chức được chi trả thu nhập tăng thêm. Chỉ số đánh giá mới cũng gắn với chỉ số hài lòng của người dân và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được chi trả thu nhập tăng thêm.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, mỗi công chức của TP.HCM phải phục vụ 700 người trong khi con số trung bình của cả nước chỉ là 350 nên công việc của cán bộ, công chức của TP là rất nhiều, áp lực cao. “Việc triển khai đề án thu nhập tăng thêm là động lực cho cán bộ, công chức phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn” - ông Nhân nói.
HĐND TP.HCM cũng đã ban hành nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô trên địa bàn TP từ ngày 1-6-2018 đối với 23 tuyến đường. Phí đỗ xe ô tô được thu lũy tiến theo giờ với mức thu 20.000-30.000 đồng/xe cho giờ đầu tiên. Với những xe đậu tới 5 giờ thì mức phí có thể lên tới 170.000 đồng/xe. Kể từ ngày thu phí đỗ xe, trên các tuyến đường này lòng đường, vỉa hè trở nên thông thoáng hơn, thuận lợi cho người đi bộ, đồng thời đã kiểm soát được việc thu phí không đúng thẩm quyền của các tổ chức, cá nhân. Mức thu phí cũng góp phần khuyến khích việc đầu tư xã hội hóa các bãi đỗ xe ngầm. |