Hội nghị sơ kết bốn năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 do Bộ VH-TT&DL chủ trì sẽ… vô bổ!
Các tham luận được “chuẩn y” với “đấu pháp” toàn lời khen
Ban tổ chức đã mời rất nhiều đại biểu đến dự tại hội trường C6 của Bộ (51 Ngô Quyền, Hà Nội). Trong số rất đông các đại biểu có nhiều người quen nhưng cũng không ít người lạ. Tôi vui mừng vì thấy trong hội trường có một số “dân” bóng đá thứ thiệt như các ông Lê Thế Thọ, Trần Duy Long, Ngô Tử Hà, Trần Duy Ly, Trịnh Minh Huế… hay các HLV đương thời nổi tiếng như Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Hoàng Văn Phúc… cùng các trọng tài kỳ cựu Đoàn Phú Tấn, Dương Văn Hiền và một số trọng tài trẻ.
Tôi đến nhận tài liệu, một cuốn sách khổ A4 dày hơn 100 trang được đóng cẩn thận, trong đó phần được xem là quan trọng nhất gồm các tham luận mà ban tổ chức có kẹp giấy mời từng người đăng ký tham luận thì thật rất thất vọng. Nguyên do nếu tất cả tham luận được thực hiện như kịch bản và chương trình thì làm gì còn thời gian cho khách mời?
Thật vậy, sau phát biểu ngắn gọn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đọc một bản báo cáo dài về những việc đã làm được và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới... Nói thật bản báo cáo này được ông Hải đọc từ từ, êm đềm như đêm khuya nghe đọc chuyện kém hấp dẫn đến buồn ngủ. Theo đánh giá của báo Tuổi Trẻ thì “Báo cáo thiếu trọng tâm, thiếu giải pháp và đề xuất cụ thể của ông Hải không được sự chú ý của đại biểu tham dự…”. Bản báo cáo mang tiếng là sơ kết nhưng chẳng thấy liên quan gì đến bản chiến lược cả. Nhiều người cũng đồng quan điểm với tôi nghe mà muốn bỏ về.
Nhưng rất may, ngay sau khi ông Hải vừa dứt lời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã xin phép ngắt ngang hội nghị để có ý kiến. Và thực sự những ý kiến của Phó Thủ tướng đã gây ấn tượng mạnh níu giữ tôi cùng nhiều người ở lại dự hội nghị cho đến phút cuối.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị không dài dòng báo cáo vòng vo khen ngợi mà hãy đi thẳng vào vấn đề. Ảnh: Q.THẮNG
Những câu hỏi “tại sao” của Phó Thủ tướng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Xin lỗi các anh (Bộ trưởng Thiện và Thứ trưởng Hải - NV), tôi xin cướp diễn đàn một chút. Tôi thấy sự có mặt của đông đảo đại biểu ở đây tạo nên khí thế rất tốt cho bóng đá. Tôi nghĩ phần chính thức nghi lễ anh Hải đọc xong rồi, các đồng chí cần nhìn thật đúng vào vấn đề của bóng đá Việt Nam nói chung và việc thực hiện chiến lược này để phát biểu. Có lẽ rất nhiều người ở đây muốn phát biểu, ta phải làm như Quốc hội, mỗi người phát biểu bảy phút thôi…”.
Tôi hiểu ý của Phó Thủ tướng là ông rất muốn nghe những đại biểu có mặt tại đây phát biểu ý kiến chứ không phải những bản tham luận đã được chuẩn bị sẵn và đóng cuốn thành tài liệu dày hơn 100 trang này…
Và tôi đã thấy có nhiều đại biểu gửi giấy đăng ký xin được phát biểu nhưng dưới sự điều hành của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.
Hội nghị vẫn phải làm theo “đấu pháp” đã vạch ra: Nghe các báo cáo đã “chuẩn y” in trong tài liệu. Đó là ý kiến của Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa, đó là bóng đá học đường của TP.HCM, là công tác trọng tài của VFF. Rồi báo cáo về khen thưởng kỷ luật của VFF… Báo cáo nào cũng thể hiện nhiều ưu điểm hơn là tồn tại. Như báo cáo của Ban Kỷ luật còn khẳng định ban này đã làm đúng 100% (!?). Rồi đến bài phát biểu của HLV Mai Đức Chung kêu gọi ủng hộ bóng đá nữ…
Hầu hết những tham luận được ban tổ chức “chuẩn y” trước đều được Phó Thủ tướng chất vấn. Ông nêu vấn đề hết sức cụ thể và chính xác về thực trạng của bóng đá Việt Nam hiện nay. Đó là vấn nạn tiêu cực có hay không? Tình trạng một ông chủ liên quan đến nhiều đội bóng có không? Tình hình trọng tài đã thực sự công tâm xử lý chính xác chưa? Những phản bác của Phó Thủ tướng khiến hội nghị sôi nổi hẳn sau khi phải nghe báo cáo toàn khen.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ở hội nghị giống như vai trò của một tiền vệ tấn công trong đội bóng Văn phòng Chính phủ mà tôi nhiều lần trực tiếp xem ông thi đấu hằng tuần. Ông quyết liệt trực diện phê bình Bộ VH-TT&DL “Có chín dự án thực hiện chiến lược thì đã làm đến đâu, trình bày ở đây chung chung quá. Các đồng chí trình cái gì lên, tôi chưa làm được tôi nhận trách nhiệm. Còn cái gì trách nhiệm của Bộ, của VFF thì các nơi phải nhận trách nhiệm. Tôi xới lên để các đồng chí tham luận vì bóng đá được toàn dân quan tâm. Với sự quan tâm đó có đủ sức để phát triển mạnh hơn hiện nay không? Tại sao đội vô địch V-League Quảng Nam không đủ điều kiện tham dự giải AFC Champions League? Tại sao bóng đá Việt Nam lại phát triển theo hình tháp ngược? Liệu cách làm của bóng đá Việt Nam hiện nay có theo xu hướng thế giới không? Tổ chức giải chuyên nghiệp mà có nhường điểm, có “vỗ vai” nhau và có đá thật không? Tại sao người ta tổ chức giải phong trào, giải trẻ thì khán giả đến xem rất đông còn VFF tổ chức giải chuyên nghiệp thì nhiều người không đến xem...”.
Tôi không biết có bao nhiêu đại biểu đăng ký tham luận nhưng cuối cùng vào lúc gần 12 giờ trưa thì ông bộ trưởng mới mời hai người thuộc giới bóng đá phát biểu. Và đây lại là hai ý kiến rất thực tế, rất chính xác của những người làm chuyên môn. Ông Ngô Tử Hà chất vấn VFF về năm điều, trong đó có vấn đề vai trò chuyên môn lép vế trong tổ chức VFF; công tác tổ chức điều hành của VFF chồng chéo, chưa phù hợp; Trung tâm Bóng đá trẻ cần xem lại có nên tồn tại hay không? Công tác điều hành V-League chưa hợp lý… Còn HLV Lê Huỳnh Đức thì nêu ý kiến về việc tìm nhân tài cho bóng đá trẻ và câu hỏi dành cho hội đồng trọng tài “Nếu sai sót của trọng tài các anh xử lý, vậy trọng tài sai sót liên tục thì người đứng đầu có nhận trách nhiệm không? Và ai là người xử lý người đứng đầu?”.
Đến 12 giờ 30, hội nghị kết thúc trong sự trăn trở của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ông nói: “Tôi không hài lòng với hội nghị hôm nay, sắp tới tôi đề nghị cần có một cuộc đối thoại trực tiếp do báo nào đó tổ chức để chúng ta cùng bàn luận với nhau những vấn đề còn gây bức xúc trong bóng đá Việt Nam. Chúng ta cần chuẩn bị để thực hiện bằng được!”.
Không chỉ tôi mà rất nhiều người tham dự hội nghị đều có chung nhận xét: Nếu không có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì hội nghị quan trọng của ngành, của bóng đá Việt Nam sẽ vô bổ bởi ban tổ chức lèo lái nó đi với một kịch bản được “chuẩn y” toàn tự khen và tự ca ngợi trong khi bóng đá Việt Nam thực sự có quá nhiều điều phải làm như Phó Thủ tướng chỉ đạo.