Cuộc họp đột xuất do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, chủ trì. Tin từ cuộc họp cho biết ngay từ đầu năm 2020, tình hình giá cả đã có nhiều diễn biến mới và phức tạp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, chủ trì cuộc họp đột xuất chiều 31-1. Ảnh: VGP
Phạt tù tới ba năm nếu găm hàng khi có thiên tai, địch họa
Đó là dịch bệnh viêm phổi do virus Corona chủng mới (nCoV) xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc. Dịch bệnh này được đánh giá sẽ tác động tới tình hình kinh tế, giá cả thế giới, nhất là lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng, ngành hàng không, du lịch.
Một vấn đề liên quan đến dịch nCoV đang được người dân trong nước quan tâm đó là giá khẩu trang y tế, nước sát trùng phòng dịch. Ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, cho biết nhu cầu về các mặt hàng này đang tăng đột biến.
Cả nước có 46 đơn vị sản xuất khẩu trang nhưng nguyên liệu phụ thuộc phía Trung Quốc và bị động kế hoạch sản xuất do sát tết Nguyên đán. Cạnh đó, còn có đơn vị ở Trung Quốc đề nghị nhập khẩu khẩu trang từ Việt Nam. Hiện các cơ sở sản xuất trong nước đang tìm nguyên liệu mới từ các quốc gia khác nhập về để sản xuất.
Về nước sát khuẩn, đại diện Bộ Y tế cho biết từ trước đến nay mặt hàng này chủ yếu dùng trong đơn vị y tế qua đấu thầu mua sắm, giờ mỗi gia đình mua nên việc đáp ứng là khó khăn.
Cửa hàng thuốc này giữ nguyên giá 45.000 đồng/hộp khẩu trang. Ảnh minh họa: NGHĨA NHÂN
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, cho biết thêm khẩu trang y tế không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá. Nhưng theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 thì mặt hàng này phải niêm yết giá. Đặc biệt, nếu không niêm yết giá hoặc niêm yết giá nhưng tăng giá bán thì sẽ phạt nặng hơn 10-15 triệu đồng và bồi hoàn tiền cho người tiêu dùng.
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo Điều 10, Luật giá cấm tổ chức cá nhân kinh doanh lợi dụng thiên tai, địch họa để kinh doanh hàng hóa trục lợi. Nghị định số 185 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính cũng quy định mức xử lý với hàng (khẩu trang) giả, kém chất lượng. Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định việc găm hàng làm khan hiếm hàng hóa khi thiên tai, địch họa sẽ bị phạt 30-300 triệu và phạt tù tới ba năm.
Sau khi nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng giao quản lý thị trường, thanh tra tài chính tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi không niêm yết giá khẩu trang hoặc niêm yết nhưng tăng giá bán.
Giá thịt heo phải giảm còn 45.000 đồng/kg
Một vấn đề nữa cũng làm "nóng" cuộc họp là tình hình giá thịt heo trước, trong và sau tết Nguyên đán Canh Tý.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hàng hóa trong dịp tết dồi dào, không có sốt hàng, tăng giá nhưng đáng lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2020 tăng khá cao 1,23% so với tháng 12-2019 trước đó.
Nguyên nhân chính là mặt hàng thịt heo. Tuy nguồn cung đủ và giá bán không còn ở mức đột biến như trong thời gian trước nhưng mặt bằng giá vẫn ở mức cao (80.000-86.000 đồng/kg heo hơi) như trước tết, tác động không nhỏ đến diễn biến chung của thị trường.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2020 tăng khá cao do ảnh hưởng giá thịt heo cao. Ảnh minh họa: AH
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê giá thịt heo hơi hiện nay vẫn giữ ở mức giá cao hơn 8,29% so với tháng 12-2019, Phó Thủ tướng đặt vấn đề liệu có hay không việc độc quyền cung ứng gây ra chuyện này, hay chỉ đơn thuần do cung - cầu. Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chuyên ngành làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, giá bán thịt heo cũng như thị phần của các doanh nghiệp chăn nuôi, sớm báo cáo Ban chỉ đạo.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết bộ và các cơ quan liên ngành sẽ kiểm tra việc sản xuất, cung ứng và giá bán thịt heo trong những ngày tới.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tình hình mới đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện theo các chỉ đạo tại Kết luận số 03 ngày 4-1 để kiểm soát lạm phát theo kịch bản từ đầu năm và cả năm 2020.
Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát giá xăng dầu thế giới để dự báo các diễn biến.
Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tổ chức quyết liệt các giải pháp để bình ổn giá, giảm 10% giá mặt hàng thịt heo hơi trong tháng 2-2020 và tiếp tục giảm còn 60.000-65.000 đồng/kg heo hơi trong tháng 3-2020, các tháng tiếp theo bình ổn giá hoặc giảm về mức 45.000-50.000 đồng/kg heo hơi, báo cáo cụ thể Chính phủ.