Thời gian qua, có khá nhiều phản ánh của người bệnh về việc một số phòng khám đa khoa (PKĐK) có bác sĩ (BS) Trung Quốc trên địa bàn TP.HCM.
Trong vai người bệnh, phóng viên (PV) báo Pháp Luật TP.HCM đã thâm nhập PKĐK Khang Thái (87-89 Thành Thái, quận 10, TP.HCM) trong hai ngày 18 và 19-3 để tìm hiểu.
Ngày 18-3, trong vai một người bị đau, ngứa bộ phận sinh dục kèm tiểu buốt, tiểu rát, nước tiểu đục, PV tới bộ phận tiếp tân của phòng khám khai bệnh.
Sau khi đóng 20.000 đồng để nhận sổ khám, PV được nhân viên phòng khám dẫn lên khoa Nam học. Tại đây, hai phụ nữ mặc blouse trắng hỏi han bệnh tình và giải thích sơ về căn bệnh tôi đang mắc, đồng thời hướng dẫn tôi thực hiện một số xét nghiệm.
Một người đàn ông mặc blouse trắng dẫn tôi tới điểm đóng tiền xét nghiệm. Ông cho biết tôi sẽ phải xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm nhưng lại “quên” thông báo giá tiền và cũng không cần biết bệnh nhân có đồng ý làm xét nghiệm hay không.
Chỉ khi cầm phiếu thu tiền tôi mới biết có năm xét nghiệm tổng cộng 900.000 đồng kèm dòng chữ “Bệnh nhân đã tìm hiểu kỹ bảng giá và đồng ý làm các dịch vụ trên”.
Khoảng 20 phút sau, kết quả siêu âm của tôi ghi nhận: Tuyến tiền liệt có điểm vôi hóa, kích thước to và chức năng hồi âm kém đồng đều. Kết luận bị tràn dịch màng ngoài tinh hai bên tinh hoàn và thành bàng quang dày, kém nhẵn. Tiếp đó tôi được đưa vào phòng khám để kiểm tra bệnh tình.
Lấy lý do chưa chuẩn bị tâm lý, còn run…, tôi xin về và hẹn hôm sau sẽ quay lại.
Nhiều người đến khám bệnh ở phòng khám đa khoa Khang Thái. Ảnh: TRẦN NGỌC
Hù cho bệnh nhân sợ
Hôm sau tôi quay lại phòng khám. Sau khi xem lại kết quả siêu âm, người phụ nữ (tạm gọi bà A) nói bên trong tinh hoàn của tôi có dịch.
Nói rồi bà chỉ vào hình vẽ bộ phận sinh dục nam trên bàn, giải thích thành bàng quang của tôi bị viêm, dịch tích tụ làm tuyến tiền liệt bị sưng to hơn kích thước bình thường. Chỉ thêm vài điểm nữa, bà tiếp: “Chúng tôi vừa kiểm tra vừa điều trị chứ không phải kiểm tra rồi thôi”, rồi bà và một người đàn ông đưa tôi vào một phòng nhỏ nằm trên lầu hai.
Trong phòng, một dàn đèn phẫu thuật treo trên cao, dưới là chiếc bàn nhỏ trải vải trắng. Bà A nói tôi lên bàn, tụt quần xuống tới gối rồi đi ra.
Nằm chờ khoảng năm phút sau mới thấy bà A cùng một người đàn ông đeo khẩu trang bước vào (tạm gọi là ông B). Trong lúc ông B loay hoay với đồ nghề, bà A nói với tôi: “Chẩn đoán anh bị viêm tuyến tiền liệt và viêm tinh hoàn. Tuyến tiền liệt của anh kích thước hơi to, bên trong có vôi hóa”.
Nghe tôi hỏi vôi hóa có ảnh hưởng gì không, bà giải thích: “Vôi hóa cũng như… vôi tường, để lâu kích thước càng lớn và sẽ thành sỏi tuyến tiền liệt. Sỏi tuyến tiền liệt khó chữa nên đừng để vôi hóa ngày càng to”.
“Tuyến tiền liệt là bộ phận quan trọng của đàn ông, bị viêm sẽ dẫn đến xuất tinh sớm, rối loạn cương, tiểu buốt, tiểu rát, tiểu lắt nhắt, đau lưng, đau bụng dưới. Anh có những triệu chứng như tôi vừa kể không?” - bà A bồi thêm.
Nghe bệnh nhân trả lời có, bà tiếp: “Anh hiện bị viêm tuyến tiền liệt giai đoạn 1 nên cần chữa sớm. Nếu không viêm ngày càng nhiều, kích thước càng to sẽ chuyển qua giai đoạn 2 là phì đại. Bước qua giai đoạn 3 là ung thư tuyến tiền liệt, phải mổ” - bà A nói như hù bệnh nhân.
Đúng lúc này, tôi giật thót người vì bị ông B đột ngột nhét một vật vào lỗ niệu đạo…
Người phụ nữ (tạm gọi bà A) đang giải thích về tình hình bệnh tình cho người bệnh (PV). Ảnh: TRẦN NGỌC
Ra giá ngay trên bàn khám
Thấy tôi định nhổm dậy, bà A mạnh tay ấn vào vai tôi: “Nằm xuống. Chồm người khi khám bệnh sẽ không chính xác. Đút ống nhựa là để hút dịch viêm ra ngoài”.
Gần một phút sau, bà A nói ống nhựa đã đặt xong, giờ sẽ hút dịch để kiểm tra. Tôi không biết ông B đã làm gì nhưng lát sau ông giơ cao ống bơm kim tiêm chứa đầy chất lỏng cho tôi thấy. Bà A chỉ vào ống bơm kim tiêm rồi nói: “Dịch trong bàng quang của anh hút ra đó. Thấy bợn không, bợn là vi khuẩn. Vi khuẩn quá trời làm viêm nhiễm nên tiểu rát, sưng tuyến tiền liệt”.
Bà chỉ vào thau nhôm chứa chất lỏng có màu đục, tiếp: “Đây cũng là dịch trong bàng quang của anh nè, vừa có tinh trùng vừa có dịch viêm nên ảnh hưởng tới tinh trùng. Dịch viêm làm sưng tuyến tiền liệt sẽ chuyển qua phì đại”.
Tôi gật gật đầu rồi hỏi phải chữa trị theo cách nào. Bà nói bơm thuốc vô ống nhựa rồi súc rửa để dịch viêm đào thải ra ngoài qua đường tiểu. “Có hai loại thuốc. Thuốc thường sẽ bơm hai lần, hôm nay và ngày mai, mỗi lần bơm 4,8 triệu đồng. Dùng thuốc tốt chỉ bơm một lần giá 9,8 triệu đồng nhưng phải được theo dõi và truyền dịch liên tiếp bốn ngày sau. Chi phí mỗi ngày 700.000-800.000 đồng” - bà A báo giá.
“Tôi nói trước, cho dù anh dùng thuốc tốt thì cũng chỉ súc được 80% dịch viêm ra ngoài. 20% dịch viêm còn lại sẽ từ từ tống ra nhờ truyền dịch mỗi ngày. Anh dùng thuốc thường cũng vẫn phải truyền dịch trong bốn ngày” - bà A nói tiếp.
Cũng theo bà A, do nước dịch của tôi chỉ có bợn, chưa thấy máu và mủ nên điều trị giá dưới 10 triệu đồng. Còn nếu có mủ, có máu thì giá điều trị khoảng 15-18 triệu đồng. “Hiện giờ điều trị vẫn kịp. Anh mà để kích thước sỏi trên 60 mm thì phòng khám không điều trị được đâu” - bà A nói thêm.
Khi tôi hỏi cách thanh toán tiền điều trị, bà A cho biết cứ bơm thuốc xong thì phòng khám thu tiền. Có bao nhiêu tiền mặt đóng trước bấy nhiêu, phần còn thiếu chuyển khoản hoặc bảo vệ phòng khám theo khách về tận nhà lấy cũng được.
Bà A ướm lời: “Giờ anh dùng thuốc tốt nghe?”. Tôi chưa kịp trả lời, cơn đau tiếp tục ập tới và gây mắc tiểu kinh khủng. Tôi nhờ ông B rút ống nhựa để đi tiểu nhưng ông dửng dưng. Còn bà A nói: “Không có rút. Ống này một lát dùng đưa thuốc vô. Rút ra rồi đâm lại anh chịu sao nổi”.
Tôi tiếp tục than đau và đòi đi tiểu, bà A kêu cô mặc đồng phục xanh vào hút nước tiểu cho tôi. Đến khi tôi nói như van: “Rút ống ra đi, tôi đồng ý trị bệnh. Tiểu xong tôi vô lại. Đau tức quá” nhưng bà A vẫn liên tục hù để buộc tôi phải đồng ý trị bệnh.
Đến khi không thể đưa tôi vào tròng, bà bảo cô mặc đồng phục xanh rút ống nhựa khỏi đường niệu cho người bệnh. Báo hại tôi do bị đút ống nhựa vào đường tiết niệu nên bị hành hạ mấy ngày trời, đau nhức kèm tiểu rát, tiểu buốt, lắt nhắt…
Ông B giơ cao ống bơm kim tiêm chứa đầy chất lỏng lợn cợn cho PV thấy. Ảnh: TRẦN NGỌC
Người khám là… cô phiên dịch
Chiều 21-3, dưới danh nghĩa PV báo Pháp Luật TP.HCM, tôi trở lại PKĐK Khang Thái.
Tại phòng khám, một phụ nữ xưng tên là Nguyễn Thị Minh Hương (đại diện phòng khám) và một người tên Phương (nhân viên) tiếp tôi. Trong buổi làm việc, tôi đã trình bày tất cả diễn biến trong quá trình khám, điều trị tại PKĐK Khang Thái. Đồng thời nhấn mạnh chi tiết bà A bịa thêm bệnh nặng để người bệnh sợ mà đồng ý trị bệnh.
Tôi cũng cho đại diện phòng khám biết bà A đã tìm đủ cách buộc tôi trị bệnh và dẫn chứng câu hù dọa: “Không rút ống nhựa ra được. Ống nhựa bị hút và dính luôn bên trong rồi. Muốn rút ống ra phải bơm thuốc điều trị vô” của bà.
Để chứng minh những gì tôi nói là thật, tôi đưa bà Hương xem đoạn clip ghi lại hình ảnh bà A đang giải thích bệnh tình rồi đặt câu hỏi bà ta tên thật là gì, có vai trò như thế nào tại phòng khám. “Cô này tên Lưu Quí Chi, trợ lý BS của phòng khám” - bà Hương trả lời.
“Bà Chi không phải BS, vậy tại sao phòng khám để bà Chi trực tiếp khám và điều trị bệnh nhân?” - tôi hỏi. “Chắc lúc đó BS bận nên cô Chi làm thay” - bà hương giải thích
(Trong cuộc điện thoại sau đó, bà Chi cho biết thêm PKĐK Khang Thái có đăng ký BS Trung Quốc hành nghề và bà Chi hiện là phiên dịch cho các BS này - PV).
“Anh muốn gì tôi giải quyết, đừng đăng báo”
“Giọng nói cô Chi không được êm dịu khiến bệnh nhân không hài lòng. Cách nói chuyện, cách thuyết phục bệnh nhân của cô Chi hơi quá mức. Chúng tôi sẽ góp ý và làm việc với cô Chi về thái độ, mong anh bỏ qua cho” - bà Hương phân trần.
Rồi bà đánh tiếng: “Anh vừa là PV, vừa là bệnh nhân, tôi đại diện phòng khám xin lỗi và mong anh giải tỏa bức xúc này. Chúng tôi muốn mọi việc êm đẹp chứ không muốn anh đưa lên báo. Vậy mong muốn của anh là gì, tôi sẽ giải quyết rốt ráo”.
Thấy tôi không nói, bà tiếp tục thuyết phục: “Hôm nay anh đến đây trong tâm trạng của bệnh nhân nên tôi cũng muốn giải quyết mọi chuyện êm đẹp ngay trong ngày. Tôi không muốn việc này lên báo thêm phức tạp, cũng không phải tới Sở Y tế TP.HCM. Tôi muốn biết mong muốn của anh thế nào để tôi giải quyết luôn”.
Chiều hôm sau (22-3), số điện thoại 02838665667 gọi đến máy tôi, người phụ nữ đầu dây bên kia cho biết tên bà là Phương. Bà Phương cho biết ban giám đốc phòng khám sẽ hoàn lại 900.000 đồng tiền xét nghiệm. Đồng thời hỗ trợ 5 triệu đồng để không đưa thông tin cho bên thứ ba.
“Anh thấy đề xuất này có được không?” - bà Phương thăm dò.
Thay tên đổi họ sau nhiều lần bị phạt Tháng 12-2018, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM ra quyết định phạt Công ty TNHH PKĐK Khang Thái (87-89 Thành Thái, phường 14, quận 10, TP.HCM) 51 triệu đồng. Lý do, phòng khám nói trên lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định. Chưa hết, phòng khám này không bảo đảm các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, PKĐK Khang Thái còn có hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn. Thanh tra Sở Y tế TP.HCM buộc phòng khám tháo gỡ quảng cáo vượt phạm vi chuyên môn. Cũng trong thời điểm này, bà Fan Xiao Li (cùng địa chỉ PKĐK Khang Thái) cũng bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phạt 10 triệu đồng. Lý do người nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh bằng tiếng Việt nhưng chưa được công nhận là biết tiếng Việt thành thạo. Điều đáng nói, địa chỉ 87-89 Thành Thái, phường 14, quận 10 trước đây là cơ sở của PKĐK Elizabeth. Phòng khám này đầy tai tiếng khi bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM liên tục xử phạt. Nguyên do, phòng khám không niêm yết giá dịch vụ; lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ. Chưa hết, phòng khám không lập hồ sơ bệnh án theo quy định, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép. |
Viêm tuyến tiền liệt không dẫn tới ung thư “Viêm tuyến tiền liệt ở mức độ bình thường chỉ cần uống kháng sinh là khỏi. Điều trị bằng cách đưa thuốc trực tiếp vào niệu đạo bằng ống nhựa mang tính chất không chính thống” - TS-BS Trương Hoàng Minh, Trưởng khoa Ngoại niệu - Ghép thận BV Nhân dân 115 TP.HCM, nói. Theo BS Minh, về nguyên tắc, khi đưa ống nhựa vào niệu đạo rồi lấy ra buộc phải thực hiện trong điều kiện hoàn toàn tiệt khuẩn và vô trùng. Nếu không sẽ gây nhiễm trùng niệu đạo. “Đưa thuốc vào niệu đạo súc rửa thông qua ống nhựa để điều trị viêm tuyến tiền liệt dễ gây nguy cơ viêm nhiễm nặng hơn bởi đưa thêm những vi khuẩn khác vào. Bên cạnh đó, ống nhựa đưa vào niệu đạo có nguy cơ gây trầy xước và làm hẹp đường niệu đạo, gây rối loạn chức năng đi tiểu” - BS Minh giải thích thêm. Cũng theo BS Minh, siêu âm chưa thể xác định bệnh nhân có bị viêm tuyến tiền liệt hay không mà phải kết hợp thăm khám, xét nghiệm tinh dịch. Cạnh đó, cũng không có phương pháp đưa ống nhựa vào niệu đạo lấy dịch để chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt vì dịch đâu nhiều đến mức rút ra đầy ống kim tiêm. “Viêm tuyến tiền liệt xảy ra trong cơ thể nên bệnh nhân đâu biết, đâu thấy. Phòng khám nói thế nào bệnh nhân nghe thế ấy rồi điều trị một cách vô thưởng vô phạt để lấy tiền là không được” - BS Minh cho hay. Về thắc mắc tuyến tiền liệt bị vôi hóa, đưa thuốc vô để làm tan vôi và tống ra ngoài bằng đường tiểu có đúng không, BS Minh khẳng định là không vì vôi hóa hình thành trong tuyến tiền liệt trong khi niệu đạo lại đi ngang tuyến tiền liệt. “Vôi hóa tuyến tiền liệt là một hiện tượng lành tính. Nếu như vôi hóa kết hợp phì đại tuyến tiền liệt và phì đại đó đến mức phải can thiệp thì chỉ cần giải quyết phì đại và sẵn đó lấy luôn vôi hóa ra” - BS Minh nói. Về việc không trị viêm tuyến tiền liệt sẽ thành phì đại tuyến tiền liệt rồi dẫn tới ung thư, BS Minh khẳng định điều này hoàn toàn sai. Nếu viêm tuyến tiền liệt nhiều lần thì kích thước tuyến tiền liệt sẽ to ra, ảnh hưởng chức năng đi tiểu mà thôi. |