Phòng mạch vô tư bơm tinh trùng

Phòng mạch vô tư bơm tinh trùng ảnh 1
Bà Nga (phải) - người môi giới bán tinh trùng - trao đổi với khách hàng về việc mua tinh trùng - Ảnh: L.TH.H.
Bà Thảo khẳng định tuy làm ở phòng mạch tư mắc tiền hơn trong bệnh viện nhưng luôn nhanh hơn vì “chỉ cần các xét nghiệm ổn, có tiền nhiều là bác sĩ làm ngay”. Còn làm trong bệnh viện bác sĩ thường hẹn nhiều lần, có khi mất mấy tháng mới được điều trị. Đến phòng mạch là... bơmBà Thảo hướng dẫn cách nói chuyện với bác sĩ Lê Tấn Cảnh, người nhận bơm tinh trùng tại phòng mạch tư, rằng: “Em muốn lấy tinh trùng trực tiếp từ người em quen biết và dẫn tới chứ không thích lấy tinh trùng trong ngân hàng bệnh viện. Nếu bác sĩ làm, em sẽ bồi dưỡng thêm cho bác sĩ...”. Bà Thảo khẳng định từng hướng dẫn nhiều khách làm cách này và “ông Cảnh nhận bơm tinh trùng luôn”. Còn bà Nga - cũng là người môi giới bán tinh trùng ở hẻm A1- quả quyết: “Bác sĩ Cảnh làm hết. Trong nhà chị, mấy người đã bơm rồi đó. Bơm tinh trùng mà có gì đâu, đơn giản lắm. Ở đây có mấy cặp vợ chồng đều làm theo cách đó, bây giờ có bầu rồi”. Nói rồi bà Nga rút điện thoại gọi cho một người ở phòng mạch bác sĩ Cảnh: “Chị, Cảnh còn làm không? Rồi, qua liền nhé”. Xong, bà quay qua giục chúng tôi: “Em qua lẹ đi, cứ nói là bên chị Nga nhé”.Tối 27-5, chúng tôi đến phòng mạch của bác sĩ Lê Tấn Cảnh (công tác tại Bệnh viện Từ Dũ) trên lầu hai phía sau căn nhà số 189C Cống Quỳnh. Phòng mạch có hai phòng. Bác sĩ Cảnh khám ở phòng lớn. Phòng nhỏ hơn dành cho người vừa được bơm tinh trùng xong nằm nghỉ. Phòng mạch chật kín các bà bầu và cặp vợ chồng hiếm muộn. Chị Thủy, nhà ở Q.8, đang mang thai ba tháng nhờ thụ tinh ống nghiệm, rỉ tai: “Bác sĩ Cảnh nổi tiếng mát tay chữa hiếm muộn đó. Bơm tinh trùng ở đây nhanh chóng chứ không cần chờ và làm lắm thủ tục như ở bệnh viện”.Đến lượt khám, chúng tôi trình bày vợ chồng cưới nhau bốn năm chưa có con, kết quả khám ở Bệnh viện Từ Dũ cho biết chồng tinh trùng yếu, vợ bình thường và được tư vấn làm bơm tinh trùng (IUI). Bác sĩ Cảnh nói: “Muốn bơm tinh trùng phải xác định ngày có kinh để canh trứng mới làm được”. Rồi ông hẹn mang kết quả đến để xem xét và sẽ bơm tinh trùng vào thời kỳ hợp lý. Thấy khách lo lắng, bác sĩ Cảnh trấn an: “Ở đây làm cho em được mà. Bơm tinh trùng hay làm gì ở đây cũng làm cho em được hết”. Nhiều bà bầu đã điều trị vô sinh thành công ở hẻm A1 kể họ đã đến phòng mạch của bác sĩ Cảnh để thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng vào buồng tử cung). Quy trình điều trị ở phòng mạch này: khi làm xong các xét nghiệm để kiểm tra, người vợ sẽ được tiêm thuốc kích trứng. Đến ngày bơm tinh trùng, người chồng (hoặc người bán tinh trùng sẽ có mặt) lấy tinh trùng tại phòng mạch của bác sĩ Cảnh. Phòng lấy tinh trùng ở đây là nhà vệ sinh. Nếu muốn, hai vợ chồng có thể ra thuê khách sạn gần đó để lấy tinh trùng được dễ dàng hơn. Y tá Oanh - người làm ở phòng mạch này - khẳng định bơm tinh trùng tại phòng mạch của bác sĩ Cảnh không cần giấy kết hôn vẫn thực hiện được. Tối 29-5, chúng tôi đến phòng mạch bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn (386/24 Lê Văn Sĩ, Q.3). Bác sĩ Tuấn là phó khoa sản A Bệnh viện Từ Dũ, được nhiều người hiếm muộn giới thiệu là “làm thụ tinh nhân tạo rất nhanh và nhiệt tình”. Giá một lần bơm tinh trùng ở đây dao động 5-7 triệu đồng (trọn gói tiền thuốc và tiền công), tùy theo thể trạng, sức khỏe từng người. Phòng mạch bác sĩ Tuấn có hai phòng, phòng siêu âm và phòng khám. Phòng khám đồng thời cũng là nơi thực hiện bơm tinh trùng. Đằng sau phòng khám là một gian bếp, kê tủ lạnh đựng các loại thuốc. Y tá giải thích phải siêu âm mới làm các bước tiếp theo. Thấy khách ngần ngừ, người này kêu lên: “Muốn có con không? Muốn có con thì phải khám rồi bác sĩ mới bơm được chứ. Chờ đến ngày trứng rụng thì đến đây lấy tinh trùng bơm bình thường”. Một phụ nữ nhà ở Q.Gò Vấp, vừa được bác sĩ Tuấn bơm tinh trùng trước đó 30 phút đang nằm nghỉ trên giường, cho biết: “Hai vợ chồng tôi đến phòng mạch lúc 17g, ra khách sạn gần đây lấy tinh trùng và đưa vào để bác sĩ Tuấn bơm. Ở đây không cần khám chồng đâu”. Phòng mạch này cũng không hỏi giấy đăng ký kết hôn, chỉ cần có người cho tinh trùng, người vợ sức khỏe bình thường là sẽ thực hiện bơm tinh trùng. “Vì kẹt quá... nên phải làm”Chiều 31-5, trả lời PV, bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn và bác sĩ Lê Tấn Cảnh đều xác nhận giấy phép hành nghề của các ông chỉ cho phép khám sản phụ khoa. Về khám vô sinh, bác sĩ Tuấn cho rằng ông chỉ khám nội khoa và cho thuốc uống, canh chu kỳ rụng trứng cho người chậm có con để vợ chồng “quan hệ” cho có thai. Ông Tuấn khẳng định đây là hoạt động được phép ở phòng mạch tư. Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn và bác sĩ Cảnh đều thừa nhận có thực hiện việc bơm tinh trùng vào buồng tử cung tại phòng mạch tư cho một số trường hợp. Biết làm vậy là sai quy định nhưng “vì kẹt quá... nên phải làm”. Ông Tuấn giải thích: “Có những trường hợp khi canh trứng, bác sĩ biết trứng sẽ rụng vào thời điểm tối ngày mai thì có cái kẹt là buổi tối bệnh viện hết giờ làm việc. Bệnh viện không chờ bệnh nhân được nên tôi phải đem tinh trùng đã lọc rửa ở bệnh viện về phòng mạch bơm cho bệnh nhân”. Trong khi đó, giải thích về việc làm sai chức năng cho phép khi hành nghề, ông Cảnh cho rằng canh trứng để điều trị hiếm muộn thì không biết được thời điểm trứng rụng lúc nào, mà phải ước chừng thời điểm rụng. Với trường hợp trứng rụng trễ quá, ông hướng dẫn “quan hệ” tự nhiên dù biết tỉ lệ thành công sẽ thấp.Ông Cảnh lý giải: “Phải khó khăn lắm mới canh được một chu kỳ có trứng. Khi đến chu kỳ có trứng rồi mà bỏ qua chu kỳ đó thì mình tiếc. Vì vậy, với một số ít trường hợp lấp lửng trong giờ giấc rụng trứng, tôi phải làm sai quy định nhằm bơm tinh trùng cho bệnh nhân để tăng tỉ lệ có thai, làm giảm áp lực và tâm lý lo lắng cho họ. Nếu mình làm sai quy định, hôm nay chưa có người hỏi đến mình thì ngày mai cũng có người hỏi. Nhưng việc bơm tinh trùng ở phòng mạch không phải là cố ý làm trái quy định”.

Phạm vi hành nghề của phòng mạch sản phụ khoa

Theo quy định của Bộ Y tế, phạm vi hành nghề của các phòng mạch sản phụ khoa gồm: tư vấn giáo dục sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình; cấp cứu ban đầu sản phụ khoa; khám thai, quản lý thai sản; khám, chữa bệnh phụ khoa thông thường: nhiễm trùng, nhiễm khuẩn đường sinh sản; đặt thuốc âm đạo; đốt điều trị lộ tuyến cổ tử cung; soi cổ tử cung, lấy bệnh phẩm tìm tế bào ung thư; siêu âm sản khoa (người đứng đầu hoặc bác sĩ trực tiếp thực hiện các kỹ thuật siêu âm có đủ điều kiện theo quy định); đặt vòng; hút thai và phá thai nội khoa đối với thai từ 36-42 ngày.

Theo L.TH.HÀ - T.DƯƠNG - N.NGA (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm