Phòng ngừa bệnh mùa mưa?

Tiêu chảy, hô hấp và SHX...

Khi mưa, bạn cần cảnh giác với bệnh hô hấp. Bệnh này thường xảy ra quanh năm nhưng số người mắc bệnh này vào mùa mưa cũng không ít. Bệnh đáng lưu ý nhất trong mùa mưa là SXH. Theo cảnh báo của Ban phòng chống SXH quốc gia, năm nay có thể sẽ có dịch SXH lớn. Một bệnh khác không kém phần nguy hiểm là viêm não Nhật Bản. Bệnh này cũng xảy ra quanh năm nhưng vào mùa mưa, số ca mắc bệnh thường nhiều hơn những mùa khác.

Ở Nam bộ, mùa mưa là mùa trái cây. Trái chín là điều kiện để ruồi nhặng sinh sôi nảy nở nhiều. Nếu chúng ta ăn uống không hợp vệ sinh thì sẽ dễ bị nhiễm trùng đường ruột, dẫn đến bị tiêu chảy.

Những triệu chứng

Người bị bệnh đường hô hấp thường sốt, ho, sổ mũi, thở nhanh. Nếu ai có những triệu chứng ấy thì sẽ được chẩn đoán là viêm phổi. Người bệnh chỉ cần điều trị triệu chứng bằng cách lau mát để hạ nhiệt, uống thuốc ho nước, làm khô mũi, uống nhiều nước trái cây, ăn uống bình thường... là có thể khỏi bệnh. Nhưng nếu có thêm các dấu hiệu khó thở thì người bệnh đã bị viêm phổi nặng, phải đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Nếu người bệnh có thêm triệu chứng nguy hiểm như ngủ li bì khó đánh thức, bỏ ăn, trẻ bỏ bú, thở rít thì hãy nhanh chóng đưa đến bệnh viện, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Đối với bệnh tiêu chảy, ngoài việc “đi” nhiều lần, người bệnh luôn cảm thấy bứt rứt, khát nước, mắt trũng sâu, miệng lưỡi khô. Lúc này, mạch của người bệnh nhẹ, không bắt được, nếu không kịp bù nước, điện giải tốt thì sẽ dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Biểu hiện của bệnh SXH là sốt cao, liên tục từ hai đến bảy ngày; da xuất hiện chấm, nốt hoặc bầm trên da, nhất là những chỗ tiêm chích; chảy máu cam; đi tiêu phân đen; hành kinh kéo dài. Khi khám thấy gan to, đau thì người bệnh bị suy tuần hoàn cấp, bị sốc. Giai đoạn nặng thường xảy ra từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu của bệnh. Nếu thấy người bệnh hạ nhiệt độ đột ngột, tay chân lạnh, bứt rứt, khó chịu, da có thể tái, nóng đỏ, có thể nôn ói, đau bụng, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp tụt hoặc kẹp thì phải đưa đến cơ sở y tế ngay, nếu chậm trễ sẽ khó khăn trong điều trị, nguy hiểm đến tính mạng.

Không được chủ quan

Phòng bệnh tiêu chảy khá đơn giản. Người dân nên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh thực phẩm, dụng cụ cho ăn đối với trẻ; không cho trẻ chơi lê la trên sàn nhà; thực hiện ăn chín, uống sôi.

Muốn phòng chống bệnh phổi cần giữ ấm ngực khi trời lạnh, môi trường sống phải trong lành; thường xuyên luyện tập thể dục để nâng cao thể lực.

Bệnh SXH do muỗi truyền bệnh nên mọi người cần diệt lăng quăng thường xuyên, dọn dẹp nước đọng quanh nhà, thay nước bình hoa, giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, ngủ mùng kể cả ban ngày. Muốn phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản thì chuồng trại phải làm xa nhà (do muỗi chích heo, bò có mầm bệnh, sau đó chích sang người); không cho trẻ chơi gần những nơi ấy khi trời sẩm tối; tiêm ngừa vắc-xin viêm não Nhật Bản để phòng bệnh.

Bệnh viêm não Nhật Bản thường xảy ra đối với trẻ 5-10 tuổi. Khi mắc bệnh này người bệnh thường sốt cao liên tục, có biểu hiện thần kinh, lừ đừ, co giật, hôn mê, yếu liệt... Người nhà nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để điều trị vì di chứng để lại của bệnh viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm. Người bệnh có thể chậm phát triển trí tuệ, động kinh, sống đời sống thực vật...

BS HẠNH PHAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm