Phú Nhuận: Mỗi cán bộ phường phụ trách ít nhất 5 F0 cách ly tại nhà

Trước tình trạng các bệnh viện quận và bệnh viện tuyến trên gặp nhiều áp lực, công tác điều chuyển F0 từ địa phương đến bệnh viện chậm, quận Phú Nhuận đã triển khai theo dõi F0 tại nhà.

Quy trình này đã được Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch của quận, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế và Bệnh viện quận góp ý để điều chỉnh, ban hành, vận hành chính thức trên địa bàn quận.

Người dân lạc quan vì có người liên lạc 

Quận Phú Nhuận cho hay, theo số liệu thống kê của HCDC, số ca bệnh của quận hiện chỉ cao hơn huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, việc điều chuyển F0 từ địa phương đến bệnh viện thời gian qua còn chậm, công tác phối hợp có sự lúng túng trong khi số ca F0 tăng nhanh. Do đó, quận Phú Nhuận đã đưa ra quy trình các bước theo dõi F0 tại nhà cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân và kịp thời xử lý khi F0 có biểu hiện trở nặng.

Quy trình theo dõi và xử lý tình huống đối với F0 cách ly tại nhà. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Bà Trần Xuân Nguyên, Trưởng ban Tuyên giáo quận Phú Nhuận, cho biết quy trình theo dõi F0 tại nhà được ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận Phú Nhuận, phòng Y tế, trung tâm y tế và bệnh viện quận góp ý, xây dựng để điều chỉnh và ban hành, vận hành chính thức trên địa bàn quận.

Theo bà Nguyên, quy trình xử lý tình huống đối với F0 cách ly tại nhà có biểu hiện trở nặng được giao cho các cán bộ, công chức phụ trách. Thực hiện thông qua việc theo dõi thông tin hằng ngày của người bệnh và đạt được các bước đầu hiệu quả tích cực.

“Các ca F0 và người nhà cũng thấy an tâm hơn, các cơ quan, đơn vị và cá nhân cũng hiểu và dễ thực hiện một cách chặt chẽ hơn. Hiện các phường đã vận hành và đạt được kết quả bước đầu khả quan” - bà Nguyên cho biết.

Theo ông Vũ Ngọc Minh, Bí thư Đảng uỷ phường 8, quận Phú Nhuận, phường tổ chức phân ra các cán bộ phường để hỏi thăm, động viên các trường hợp điều trị tại nhà.

“Chúng tôi hỏi thăm mỗi ngày, với các cụ lớn tuổi không có điện thoại thì trao đổi với người nhà. Trong trường hợp bình thường, không có biểu hiện thì chúng tôi vẫn động viên các cô chú dùng nước súc miệng, uống vitamin C, sử dụng xông mũi… Với những người cao tuổi, nhắc nhở các cô chú cần vận động tay chân, tránh nằm yên một chỗ. Với các F0 không triệu chứng, trẻ, chúng tôi khuyên họ tập thể dục các bài nhẹ ở nhà” - ông Minh nói.

Thống kê về số lượng F0 được theo dõi tại nhà, ông Minh cho biết, hiện phường đang còn 24 trường hợp và đã có hai bệnh nhân khỏi bệnh qua hình thức điều trị tại nhà.

Đảm bảo cung cấp đủ nhu yếu phẩm, thuốc men trị liệu tại nhà

Bí thư Đảng uỷ phường 8 cho biết thêm, ngay khi thành lập vùng phong toả, phường thiết lập ngay kênh liên lạc qua nhóm Zalo. Nhóm này vừa giúp tư vấn, nhận đi chợ giúp và giải đáp các thắc mắc cho người dân.

Phường tổ chức nhiều lượt tăng cường thêm nước súc miệng, vitamin C và thêm các nhu yếu phẩm, rau củ quả, gạo, chanh, sả… cho các hộ dân nhằm khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp trị liệu tại nhà.

Giao thực phẩm tận nhà cho các hộ dân bị cách ly. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Ông Minh cho hay, đa số người dân rất hoan nghênh, vui và đánh giá cao sự quan tâm của phường. Từ đó, tinh thần của họ lạc quan hơn. “Chúng tôi cố gắng giữ tính mạng của người dân và đảm bảo an sinh xã hội. Tổ chức đánh giá trước các dấu hiệu trở nặng như về hơi thở, nhận thức của người bệnh để đưa ra quyết định. Sau khi đội ngũ y tế đã chẩn đoán thì họ sẽ liên lạc, không để trễ rồi mới chuyển đi sẽ rất nguy hiểm” - ông Minh thông tin.

Trong khi đó, phường 4 quận Phú Nhuận hiện có 19 ca F0 đang được điều trị tại nhà. Trong đó, đã có 5 ca âm tính qua test nhanh 4 ngày trước. 

Bà Trần Đỗ Quyên, Bí thư Đảng uỷ phường 4 cho hay phường 4 có năm khu phong toả cách ly. Sau khi có ca F0, lãnh đạo phường phân công từng cán bộ công chức phụ trách từng khu vực phong toả và bệnh nhân.

Mỗi ngày cán bộ sẽ điện thoại thăm hỏi sức khoẻ, triệu chứng của người bệnh. Nếu không có gì thì tiếp tục hướng dẫn người dân điều trị tại nhà. Quy trình này được lặp lại hằng ngày và báo cáo trực tiếp về cho Bí thư và Chủ tịch phường.

Về quy trình xử lý đối với F0 chuyển nặng, bà Quyên cho biết qua việc thăm hỏi, nếu có vấn đề thì cán bộ công chức phường sẽ báo cho trạm y tế phường và Bí thư hoặc Chủ tịch phường trong vòng 5 phút. Sau đó, các đơn vị sẽ báo lên tuyến trên để bệnh viện quận đưa đi cấp cứu hoặc chuyển viện.

Theo bà Quyên, một số trường hợp phải chờ đợi bệnh viện nên “khoảnh khắc vàng” để cứu bệnh nhân F0 trở nặng mà không đưa được cấp cứu thì rất nguy hiểm. Do đó, phải kịp thời gửi lên bệnh viện để kịp thời cứu chữa, cứu “giờ vàng” cho F0 chuyển nặng”.

Hiện phường 4 có hai trường hợp gia đình có số ca dương tính đông gồm một nhà 8 ca và một nhà 5 ca. Hai trường hợp này do Bí thư và Chủ tịch phường phụ trách. Qua quá trình điều trị tại nhà, gia đình có tám ca dương tính giờ chỉ còn ba ca.

“Hầu hết các ca F0 đang điều trị tại nhà đang có chiều hướng chuyển biến tốt và không có biểu hiện trở nặng” - bà Quyên nhận định.

Bên cạnh đó, phường cũng tổ chức gửi số điện thoại của một bác sĩ (đã về hưu được kêu gọi hỗ trợ chống dịch) phục trách tư vấn, hướng dẫn điều trị, phân tích các biểu hiện của bệnh nhân.  

Hiện phường 4 cùng 12 phường còn lại đều thực hiện theo quy trình này và báo cáo hằng ngày.

"Chúng tôi thấy đang đi đúng hướng và chiều hướng điều trị bệnh đang tốt lên. Người dân khi được quan tâm họ rất phấn khởi và chấp hành nghiêm túc" - Bí thư Đảng uỷ phường 4 cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm