Quận Phú Nhuận: Mang thực phẩm đến tận nhà cho dân

 

Xác định các hộ dân sống trong khu vực bị phong tỏa, cách ly là những người cần hỗ trợ, chăm lo đời sống, các phường thuộc quận Phú Nhuận, TP.HCM đã liên tục hỗ trợ, cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm tận nhà cho người dân. Việc này giúp người dân yên tâm ở nhà trong thời gian thực hiện cách ly y tế.

Đối với các mô hình không phù hợp thực tế, phường nhanh chóng có sự thay đổi và mở rộng các sáng kiến hay, thiết thực trong hoạt động phòng chống dịch.

Nhu yếu phẩm được cán bộ phường mang đến tận cổng nhà cho người dân trong khu cách ly, phong tỏa. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Thay đổi hình thức “gian hàng 0 đồng”

Ông Đinh Gia Huỳnh, Bí thư Đảng ủy phường 7, quận Phú Nhuận, cho biết toàn phường có 11 khu vực bị cách ly, phong tỏa với hơn 2.000 nhân khẩu. Thời điểm đầu của đợt dịch, phường tổ chức chăm lo cho các hộ dân bị phong tỏa theo mô hình các “gian hàng 0 đồng”. Các gian hàng này được đặt ở đầu hẻm và người dân tự ra lấy. Tuy nhiên, việc này lại không đảm bảo theo quy định là người dân phải ở trong nhà với các khu vực cách ly, phong tỏa.

“Sau đó, chúng tôi bắt đầu triển khai phương án mới. Người dân được yêu cầu ở nhà, cán bộ phường sẽ đưa nhu yếu phẩm đến tận cổng rồi người dân sẽ bước ra lấy và quay vào nhà liền. Điều này giúp hạn chế việc người dân phải ra khỏi nhà” - bí thư Đảng ủy phường 7 chia sẻ.

Vị này cũng cho biết khi nhận được hỗ trợ từ mạnh thường quân thì bất kể thời điểm nào, phường cũng cố gắng đưa xuống cho người dân nhanh nhất. “Chúng tôi chăm lo cho các hộ dân khu phong tỏa hai lần/tuần và xoay đều 11 khu phong tỏa của phường. Từ đó hạn chế người dân đặt thực phẩm bên ngoài đưa vào, giảm lây chéo trong khu phong tỏa” - ông Huỳnh nói.

Phường còn thường xuyên cử các đội phát thanh, tuyên truyền yêu cầu người dân ở nhà trong thời gian bị phong tỏa, cách ly. Khi cần hỗ trợ, chỉ cần liên hệ với phường qua số điện thoại hoặc mạng xã hội của phường.

Cụ thể, ngoài số điện thoại của UBND phường đặt ở các khu vực bị phong tỏa, phường đã triển khai trang Facebook “Ủy ban nhân dân phường 7, quận Phú Nhuận” để tiếp cận gần hơn với các nhu cầu cần hỗ trợ của người dân. Người dân khi cần hỗ trợ chỉ cần bình luận bài viết hoặc nhắn tin, phường sẽ phân công cán bộ giải quyết kịp thời.

Đi chợ không khó, có hội phụ nữ lo

Bắt đầu từ ngày 11-7, quận Phú Nhuận triển khai mô hình “đi chợ không khó, có phụ nữ lo”. Theo đó, tổ tình nguyện đi chợ giúp dân mùa COVID-19 các phường sẽ mua giúp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân có nhu cầu.

Khi người dân các khu phong tỏa cần mua thực phẩm sẽ liên hệ với Hội Phụ nữ phường qua Zalo và trang thông tin của phường. Đơn hàng sau đó được tổng hợp và đi mua.

Chiều 22-7, theo chân chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường 9 đi siêu thị giúp các hộ dân khu phong tỏa, PV ghi nhận các hộ dân đặt mua khá nhiều thực phẩm thiết yếu. Sau khi mua hàng, các cán bộ phường đã phân loại theo từng đơn hàng và chuyển đến cho người dân.

Để tránh lây nhiễm, hạn chế người dân đi lại trong khu phong tỏa, các tình nguyện viên hoặc cán bộ phường sẽ mặc đồ bảo hộ, trực tiếp mang hàng hóa đã mua đến cho người dân và gõ cửa gọi họ ra nhận.

Bà Phạm Thị Hương Thơm, Chủ tịch Hội LHPN phường 9, chia sẻ người dân rất vui và an tâm với mô hình này bởi họ không được ra ngoài để mua nhu yếu phẩm cần thiết. “Đây cũng là mô hình đã tạo được nhiều hiệu ứng tích cực” - bà Thơm nói.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN quận Phú Nhuận, cho biết mô hình “đi chợ không khó, có phụ nữ lo” được triển khai nhằm hỗ trợ người già, người neo đơn, người khuyết tật, phụ nữ mang thai… trong các khu phong tỏa. Cùng với đó, các hộ dân trong khu phong tỏa nếu cần hỗ trợ có thể liên hệ qua Zalo để đặt đơn hàng. “Tất cả sản phẩm được đặt mua từ cửa hàng, siêu thị trên địa bàn với giá cả rõ ràng và có hóa đơn đầy đủ để người dân yên tâm” - bà Thảo cho biết.

Theo bà Thảo, thời gian nhận đơn hàng từ 14 giờ đến 16 giờ hằng ngày, thời gian giao hàng cho người đân là 9-10 giờ ngày hôm sau. Tổ tình nguyện đi chợ giúp dân mùa COVID-19 sẽ phân công từng người đi lấy hàng rồi chia ra theo từng tổ. Ở các khu phong tỏa, chúng tôi để hàng hóa ở đầu chốt, sau đó sẽ có lực lượng mặc đồ bảo hộ đi giao và để trước cửa nhà cho người dân.

Bà Thảo chia sẻ: “Khi giao hàng đến tận nhà cho người dân như vậy, họ rất mừng. Bởi có những gia đình mà cô chú đều lớn tuổi, ông đi mua thì bà không chịu mà bà đi mua thì ông cũng không chịu. Nghe họ nói mà thương lắm”.•

Không ngại khó, ngại khổ để chăm lo cho người dân

Ở phường 1, quận 5 hiện có 22 điểm cách ly, phong tỏa nên số người dân cần hỗ trợ rất nhiều. Tuy nhiên, bà Trần Thị Thanh Lan, Phó Bí thư thường trực phường 1, quận 5, cho hay nhân sự của phường hiện chỉ còn bảy người do có người phải thực hiện cách ly. Chính vì vậy, các cán bộ thay nhau làm từ sáng đến tối để hỗ trợ bà con được kịp thời.

Theo bà Lan, phường đã huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực để giúp đỡ bà con khu cách ly. Đó có thể là của các tổ chức thiện nguyện từ các địa phương khác gửi về, đồ chay, cơm chay của các cơ sở tôn giáo..., sau đó phường sắp xếp lại và phân phát tới từng điểm.

Quận Phú Nhuận: Mang thực phẩm đến tận nhà cho dân ảnh 2
Người dân trong khu phong tỏa để sẵn rổ trước nhà, sau đó cán bộ
sẽ mang thực phẩm đến và để vào rổ. Ảnh: PHAN NHUNG

“Khi có cơm hoặc thực phẩm hỗ trợ, các bảo vệ, dân quân trực tại điểm cách ly sẽ phát loa cầm tay hoặc mang đồ bảo hộ đi thông báo cho từng hộ dân. Phường sẽ chở thực phẩm tới các điểm chốt cách ly để người dân ra lấy và đều phải bảo đảm giãn cách” - bà Lan chia sẻ.

Bà Lan chia sẻ thêm: “Người dân trong khu cách ly không thể ra ngoài mua thực phẩm nên chúng tôi ưu tiên để làm sao không có hộ dân nào bị cô lập, không người dân nào bị đói. Ngoài ra, có những trường hợp người dân trong khu cách ly không dám ra các điểm chốt để lấy thực phẩm hỗ trợ vì sợ bị lây nhiễm. Trường hợp này, phường thông báo người dân để sẵn rổ trước cửa nhà, phường sẽ để thực phẩm ở đó rồi người dân ra lấy sau đó”.

Cũng theo phó bí thư thường trực phường 1, ở phường có vài hộ gia đình/cá nhân là F0, dương tính với COVID-19 đang cách ly tại nhà, chờ lực lượng y tế tới đưa đi chữa trị tại bệnh viện. Do vậy, trong quá trình người dân chờ, phường đã cử người mặc đồ bảo hộ kỹ lưỡng rồi đưa đồ ăn tới tận cửa nhà, sau đó các hộ dân sẽ ra mở cửa để lấy.

“Chúng tôi đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thấu hiểu sự giúp đỡ lúc này quan trọng với họ như thế nào. Tôi mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi để người dân có thể quay lại cuộc sống thường nhật, chính quyền cũng yên tâm phục vụ người dân” - bà Lan chia sẻ. PHAN NHUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm